Nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng
Tây Ninh nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống, từ dệt chiếu, làm gốm; cho đến chế biến các sản phẩm nông nghiệp như bánh tráng, mắm, khô, muối tôm…
Hiện nay, UBND tỉnh Tây Ninh đã có quyết định công nhận 12 nghề truyền thống và 1 làng nghề truyền thống. Trong đó, TX.Hòa Thành có 4 nghề truyền thống (làm nhang, đúc gang, mộc gia dụng, mây tre đan) và 1 làng nghề truyền thống (mây tre đan tại ấp Long Bình); TX.Trảng Bàng có 3 nghề truyền thống (tráng bánh tráng, mây tre đan, rèn); TP.Tây Ninh có 3 nghề truyền thống (chằm nón lá, gò nhôm, mộc gia dụng) và H.Gò Dầu có 2 địa điểm được công nhận nghề truyền thống (tráng bánh tráng thủ công).
Tây Ninh hiện có 73 doanh nghiệp, 21 HTX, 3 tổ hợp tác và trên 17.000 hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực nghề nông thôn. Năm 2023, tổng giá trị sản phẩm ngành nghề nông thôn mang lại khoảng 9.400 tỉ đồng. Riêng nhóm ngành nghề truyền thống, làng nghề truyền thống có khoảng 400 hộ và 1 HTX.
Theo kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2022-2025, tỉnh sẽ phát triển một số ngành nghề mới theo hướng sử dụng lợi thế của mỗi địa phương, tạo những sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn… đó là những mục tiêu quan trọng phải thực hiện.
Trong đó, việc bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống phải gắn với thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu, phù hợp phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, ngành nghề truyền thống còn góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống cho một số bộ phận gia đình ở nông thôn, đặc biệt góp phần quan trọng vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã ban hành kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại địa phương, nhằm cụ thể các nội dung, chương trình hỗ trợ bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống.
Hàng loạt thách thức với làng nghề truyền thống
Trên thực tế, hiện nay việc phát triển các làng nghề truyền thống đang gặp nhiều thách thức. Một số sản phẩm của nghề truyền thống như chằm nón lá, gò nhôm, nhang, rèn, đúc gang... thiếu sức cạnh tranh, gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ dẫn đến phải hoạt động cầm chừng và đang có nguy cơ mai một do thu nhập người lao động thấp.
Ngoài ra, các hoạt động sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn có quy mô sản xuất nhỏ, lao động bán thủ công kết hợp máy móc, thiết bị công nghệ còn lạc hậu, thiếu vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, thiếu tính hợp tác liên kết trong sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Mẫu mã sản phẩm hàng hóa lĩnh vực ngành nghề nông thôn cũng như chất lượng chưa ổn định, giá thành cao, sức cạnh tranh so với sản phẩm hàng hóa được sản xuất theo công nghiệp còn hạn chế; sản phẩm ngành nghề chưa gắn kết với các điểm, tuyến du lịch nên có phần hạn chế việc quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm.
Một số nghề truyền thống đã được hình thành ở các địa phương từ lâu đời nhưng sản phẩm thiếu sức cạnh tranh, nhu cầu thị trường ngày càng thu hẹp; sản xuất mang tính nhỏ lẻ, cầm chừng và đang có xu hướng bị mai một do hiệu quả thấp.
Hiệu quả từ chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"
Để xử lý những vấn đề trên, tỉnh Tây Ninh đã triển khai chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện đời sống cho người dân. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, từ khi chương trình OCOP được triển khai, đến năm 2023, tỉnh đã có 65 sản phẩm được xếp hạng từ 3 sao trở lên, trong đó có nhiều sản phẩm đến từ các làng nghề truyền thống.
Chương trình OCOP giúp các làng nghề mở rộng quy mô sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm và gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ví dụ, làng nghề làm bánh tráng ở Trảng Bàng không chỉ dừng lại ở việc sản xuất thủ công mà đã áp dụng công nghệ hiện đại vào một số công đoạn để tăng năng suất và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, nhiều làng nghề khác cũng đang tận dụng chương trình OCOP để phát triển như làng nghề mây tre đan ở xã Long Thành Bắc (TX.Hòa Thành). Sản phẩm truyền thống của địa phương này được tiêu thụ rộng rãi ở TP.HCM, Hà Nội… tạo nguồn thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân.
Ông Trương Tấn Đạt, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết: "Sở đã kiến nghị các sở, ngành liên quan trên địa bàn, hằng năm tiếp tục phối hợp và triển khai thực hiện đồng bộ những chính sách lồng ghép các nguồn kinh phí từ chương trình, mô hình, dự án...nhằm hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn. Qua đó, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống"
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền phổ biến công tác bảo vệ môi trường, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ, cơ sở, doanh nghiệp phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm của các ngành nghề theo hướng sản xuất hàng hóa và gia tăng giá trị sản phẩm; thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động và phát triển sản xuất bền vững...
Bình luận (0)