Có người chuyên xem tin tức thời sự, lại có bạn chỉ thích mục “Vườn hồng”, có cô nội trợ lại chú mục vào trang “ẩm thực”… nhưng cũng có rất nhiều người, họ đến với Báo Thanh Niên và thường là để ý những hoàn cảnh thương tâm được chuyển tải trên báo, rồi sẵn sàng giúp đỡ những cảnh đời khốn khó ấy.
Được giúp đỡ những hoàn cảnh thiếu may mắn hơn mình như là một nhu cầu tự thân của số độc giả này. Có người để lại vài dòng địa chỉ cho nhân viên của báo vào sổ theo dõi nhưng cũng không ít người chẳng để lại tuổi tên. “Cho tôi được san sẻ với họ (những người kém may mắn) ấy một chút tình thôi mà. Xin đừng ghi tên tôi làm gì nhé…”. Câu này, những nhân viên chuyên theo dõi mục “Những tấm lòng vàng” của Báo Thanh Niên vẫn thường nghe và không khỏi bối rối khi phải vào sổ theo dõi. Tên của họ được chúng tôi gọi chung là Bạn Đọc - những người đồng hành đặc biệt của Báo Thanh Niên.
Cứ đều đặn hằng tháng, chị ấy, chừng 45 tuổi, người mỏng mảnh như không thể gầy hơn được nữa, đi trên chiếc xe đạp cọc cạch ghé văn phòng Báo Thanh Niên tại Nha Trang để gửi 2 triệu đồng, giúp một hoàn cảnh mà chị đã lưu vào bộ nhớ của mình khi đọc trên một số báo nào đó trong tháng. Nhìn cái cách chị ấy lấy tiền từ trong chiếc túi áo đã cũ ra trao cho cô nhân viên của văn phòng, tôi như thấy có bao giọt mồ hôi mặn đắng lăn qua từng tờ bạc lẻ trên tay chị.
Bao giờ cũng vậy, chị vuốt phẳng phiu từng tờ bạc nhàu nhò rồi mới trao gửi, không quên kèm theo câu: “Nhờ quý báo chuyển giúp cho hoàn cảnh ấy, tôi xin cảm ơn các anh chị”. Và chị cũng không quên điều này từ gần chục năm nay: “Xin các anh đừng hỏi tên và địa chỉ nhà tôi nữa nhé. Chỉ là giúp nhau một chút tình thôi mà”. Mỗi lần nghe chị “Bạn Đọc” ấy nói câu đó, chợt tan biến trong lòng mình những suy tư vụn vặt.
Lại có cụ bà, nay đã 90, cũng đều đặn hằng tháng nhờ cụ ông chở đến Báo Thanh Niên để trao 200.000 đồng từ tiền trợ cấp người cao tuổi. Sáng qua (20.6), cụ lại đến với chúng tôi không phải bằng xe của cụ ông chở mà là xe đứa cháu. Cụ bảo ông nay đi xe không được nữa nên phải nhờ cháu chở: “Cháu nó đọc trên Báo Thanh Niên và “truyền đạt” lại cho tôi hoàn cảnh của hai cụ già ở Quảng Bình, em dâu 81 tuổi nuôi chị chồng 90 tuổi. Thương quá nên tôi quyết định biếu thêm”. Lại run run đếm từng tờ bạc cũ bằng bàn tay nhăn nheo của tuổi sắp bách niên! Cũng như chị “Bạn Đọc” 45 tuổi trên đây, chúng tôi đành “bất lực” khi xin tên của cụ bà 90 tuổi này.
Có thầy giáo quanh năm vận động các em học sinh tiểu học bớt ăn quà vặt để ủng hộ những cảnh đời trên Báo Thanh Niên. Thầy giáo ấy cũng “vô danh” như bao người đã đến với chúng tôi mỗi sớm mai thức dậy, cầm trên tay tờ Báo Thanh Niên và đọc mục “cảnh đời”, để biết trên thế gian này còn bao nhiêu phận người cần được cưu mang, giúp đỡ.
Thật hạnh phúc biết bao khi đồng hành trên con đường đầy nhọc nhằn với nghề báo chúng tôi, có những người mang tên “Bạn Đọc” như thế. Sẽ là thừa nếu tôi nói thêm một lời cảm ơn với họ.
Bình luận (0)