Hệ thống tên lửa Iskander là gì?
Đây là hệ thống tên lửa tầm ngắn được thiết kế và phát triển từ cuối những năm 1980 ở Liên Xô.
Hệ thống này nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển một hệ thống tên lửa di động mới, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và tuân thủ Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân tầm trung (Hiệp ước INF). Hiệp ước này cấm các hệ thống tên lửa hạt nhân trên mặt đất có phạm vi từ 500 đến 5.500 km.
Tên lửa Iskander được đặt theo tên Alexander Đại đế, vua xứ Macedonia. Các nước Trung Á gọi ông là Iskander.
Những hệ thống Iskander đầu tiên được đưa vào phục vụ trong quân đội Nga vào giữa những năm 2000.
Tên lửa Iskander mạnh ra sao, có mang được đầu đạn hạt nhân không?
Mỗi bệ phóng của tổ hợp tên lửa Iskander có thể mang theo 2 tên lửa hoặc nhiều loại đầu đạn quy ước và hạt nhân, từ loại phá boong ke, loại phân mảnh nổ trên không, cho đến loại đầu đạn phân mảnh công phá cao và đầu đạn xung điện từ.
Mỗi đầu đạn thông thường nặng từ 480 đến 700 kg. Iskander có thể mang bắn đầu đạn hạt nhân đương lượng lên đến 50 kiloton. Iskander cũng có một biến thể tên lửa hành trình có tên gọi là Iskander-K.
Trong một thông báo về kế hoạch chuyển giao hệ thống tên lửa Iskander của Nga cho Belarus hồi năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin ã xác nhận rằng các hệ thống Iskander mà Nga chuyển đến Belarus có khả năng bắn "cả tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình" bên cạnh đạn thông thường và đạn hạt nhân.
Iskander chính xác đến đâu và tầm bắn bao xa?
Hệ thống tên lửa Iskander có sai số trong khoảng từ 30-70 m, nếu được trang bị hệ thống dẫn đường thì chỉ còn 5-7 m.
Hệ thống có tầm bắn tối thiểu 50km và tầm bắn tối đa lên tới 500 km.
Nếu được triển khai ở phía bắc, phía tây hoặc phía nam Belarus, hệ thống tên lửa Iskander có thể tiếp cận được vùng Baltic, hầu hết Ba Lan và hầu hết miền bắc Ukraine.
Sau quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF vào năm 2019, Nga có thể sẽ bỏ các hạn chế tự đặt ra về tầm bắn của Iskander và cũng phát triển các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình mới có thể đạt tới tầm bắn hàng trăm thậm chí hàng nghìn km.
Nga có bao nhiêu tên lửa Iskander?
Nga có khoảng 162 bệ phóng Iskander, gồm 150 bệ phóng của lục quân và 12 của lực lượng bảo vệ bờ biển thuộc hải quân. Số lượng tên lửa thuộc nhiều phiên bản được giữ kín, nhưng có lẽ là hàng trăm.
Hệ thống tên lửa Iskander giá bao nhiêu?
Vì những lý do bảo mật, truyền thông Nga không nêu cụ thể mức chi phí để sản xuất tên lửa Iskander hoặc bệ phóng của hệ thống này.
Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông phương Tây và phía Ukraine đoán Nga mất khoảng 3 triệu USD để sản xuất mỗi hệ thống Iskander.
Hệ thống Patriot và THAAD có chặn được tên lửa Iskander?
Theo các thông số được công bố, kể từ khi được bắn khỏi bệ phóng, quá trình bay của Iskander có thể đạt đến tốc độ Mach 7, tức là 2,6km/giây ở độ cao từ 6 đến 50km trên không nhằm tránh các hệ thống phòng không của đối phương.
Các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ bao gồm Patriot và THAAD được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo và hành trình, bao gồm cả Iskander. Tuy nhiên, điều này trong thực tế vẫn chưa được kiểm chứng.
Mỹ đã công bố kế hoạch cung cấp các khẩu đội tên lửa Patriot cho Ukraine vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên hiệu suất thiếu thuyết phục tại Iraq hay Yemen đã đặt ra sự ngờ vực về hiệu quả mà Patriot có thể mang lại trước tên lửa Nga.
Nga có tấn công hạt nhân Ukraine?
Học thuyết hạt nhân của Nga nghiêm cấm sử dụng vũ khí hạt nhân, bao gồm cả vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Hồi tháng 6.2020, Bộ Ngoại giao Nga công bố học thuyết hạt nhân trong đó nhấn mạnh rằng các loại vũ khí hạt nhân dưới bất kỳ hình thức nào chỉ được xem làm "phương tiện răn đe" và việc sử dụng loại vũ khí này chỉ được coi là "biện pháp cực đoan và tình thế bắt buộc" để đáp trả việc kẻ thù sử dụng vũ khí huỷ diệt hàng loạt đối với Nga hoặc đồng minh của Nga hoặc một cuộc tấn công nghiêm trọng đến mức "sự tồn vong của nhà nước" được coi là bị đe dọa.
Bình luận (0)