Tên lửa hành trình SCALP/Storm Shadow do Anh và Pháp viện trợ được kỳ vọng sẽ giúp quân đội Ukraine gia tăng sức mạnh vượt bậc, như pháo phản lực HIMARS đã làm được vào cuối năm 2022.
Ở chừng mực nào đó, loại vũ khí này đã không gây thất vọng. Hồi tháng 6.2023, tên lửa này đã làm hư hại cầu Chonhar quan trọng nối liền bán đảo Crimea và miền nam Ukraine.
Giới quan sát tin rằng SCALP/Storm Shadow đóng vai trò quan trọng trong cuộc phản công của Ukraine, với những ưu điểm như tầm bắn lên tới 250 km, mang đầu đạn hơn 450 kg, nhiều chế độ dẫn đường, và khó bị radar phát hiện.
Ông Michael Kofman, chuyên gia về quân đội Nga tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (viết tắt là CEIP), trong một chương trình phát thanh trực tuyến hồi tháng 7, nhận định Storm Shadow là loại vũ khí hiệu quả, khó bị đánh chặn và cho phép Ukraine tấn công với tầm xa hơn nhiều.
Sau vụ bắn phá cầu Chonhar, có những báo cáo cho thấy Storm Shadow cũng đã tấn công làm một chỉ huy cấp cao của Nga tử trận và gây thiệt hại cho một khu sửa chữa tăng-thiết giáp lớn của Nga ở Crimea.
Tuy nhiên, ông Kofman cho rằng kể từ khi được tung ra trận hồi giữa tháng 5, Storm Shadow không tạo nên được "tác động to lớn nào đối với lực lượng Nga". Ông cho rằng nguyên nhân một phần là vì Nga đã xây dựng khả năng thích nghi sau khi đối mặt với HIMARS.
Khi mới xuất hiện vào tháng 6.2022, HIMARS thể hiện năng lực công phá khủng khiếp, giúp Ukraine tấn công nhiều kho nhiên liệu và sở chỉ huy Nga.
Tuy nhiên, Nga sau đó đã tìm cách ứng phó bằng tác chiến điện tử và di chuyển tuyến hậu cần và sở chỉ huy ra ngoài tầm bắn của HIMARS.
Ông Kofman cho rằng tên lửa Storm Shadow vẫn hữu dụng với quân đội Ukraine, vì ở một mặt trận rộng lớn như vậy quân Nga vẫn phải trữ đạn dược gần tiền tuyến, dùng cầu để vận chuyển và vẫn sẽ có điểm yếu trong hoạt động chỉ huy. Tuy nhiên, tác động sẽ không còn lớn như của HIMARS trong năm 2022.
Bên cạnh đó, Ukraine rất có thể chỉ nhận được vài trăm tên lửa Storm Thunder, và máy bay để phóng tên lửa này có thể bị Nga phá hủy.
Sau Storm Thunder, mong muốn tiếp theo của Ukraine về vũ khí tầm xa là hệ thống tên lửa chiến lược quân sự MGM-140 do Mỹ sản xuất, còn có tên gọi là ATACMS. Đây là loại vũ khí phóng từ mặt đất với tầm bắn hơn 300 km.
Mỹ đã từ chối cung cấp ATACMS vì lo ngại Ukraine sẽ dùng nó tấn công những mục tiêu trong đất Nga. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang xem xét lại chính sách viện trợ này.
Dựa trên những gì đã xảy ra với HIMARS và Storm Thunder, một vũ khí tầm xa như ATACMS có thể gây tổn thất và buộc Nga phải thay đổi hoạt động. Nhưng câu hỏi đặt ra là tác động có đủ lớn để nghiêng cán cân ưu thế về phía Ukraine hay chỉ dừng lại ở mức độ chiến thuật nhất thời?
Bình luận (0)