Đầu tháng 3, báo The New York Times đưa tin quân đội Mỹ và lực lượng tuần duyên Yemen bắt giữ một tàu Iran chở nhiều vũ khí và đạn dược trên biển Ả Rập. Trong đó, đáng chú ý nhất là 10 hệ thống tên lửa đối không vác vai QW-1M có xuất xứ Trung Quốc.
Phần lớn số tên lửa này được sản xuất vào năm 2005. Gần đây hơn, tờ Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc đưa tin lực lượng nổi dậy Syria đã sử dụng FN-6, một loại tên lửa vác vai khác do nước này sản xuất, để bắn hạ 2 máy bay trực thăng Mi-8/17 của quân chính phủ. Những vụ việc này làm dấy lên câu hỏi ai đang liên tục vi phạm các nghị quyết cấm vận vũ khí của LHQ đối với những nước đang xảy ra khủng hoảng?
Lộ trình quanh co
Theo trang tin Popular Mechanics, tên lửa QW-1M được Trung Quốc đưa vào sử dụng từ thập niên 1990 và từng nhượng quyền sản xuất cho Pakistan. Có tin lính Pakistan đã dùng loại vũ khí này bắn hạ 2 chiến đấu cơ MiG-21 và MiG-27 của Ấn Độ vào năm 1999. Tuy nhiên, Popular Mechanics dẫn lời giới phân tích cho rằng lô tên lửa vừa bị phát hiện ở Yemen không phải do Pakistan sản xuất, vì chúng có một số cải tiến mới, chẳng hạn như nâng cấp bộ phận tầm nhiệt. Chuyên gia Matt Schroeder, thuộc Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ, xác nhận những khẩu QW-1M trên tàu Iran chưa từng hiện diện trên thị trường chợ đen trước đây.
Từ đó, có giả thiết khả năng Trung Quốc đã lén bán số vũ khí trên cho Iran rồi nước CH Hồi giáo này lại chuyển chúng tới Yemen hoặc các quan chức tham nhũng của Bắc Kinh tuồn tên lửa ra thị trường chợ đen. Chuyên gia Schroeder còn nêu thêm một khả năng nữa là số vũ khí bị lấy cắp từ một nước thứ ba nào đó. Theo The New York Times, giới hữu trách Yemen xác nhận điểm đến của các tên lửa QW-1M là lực lượng vũ trang Hồi giáo Houthi ở khu vực tây bắc. Chuyến hàng nói trên vi phạm 2 nghị quyết của LHQ cấm Iran xuất khẩu vũ khí cũng như cấm bên khác bán vũ khí cho nước này. Đến nay, Trung Quốc chưa có phản ứng về những thông tin trên.
|
|
Còn với tên lửa FN-6 ở Syria thì sao? Theo Hoàn Cầu thời báo, 2 đoạn phim do lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA) đưa lên internet cho thấy các tay súng của họ bắn rơi 2 trực thăng Mi-8/17 của quân chính phủ tại các thành phố Dei ez-Zor ở miền đông và Aleppo ở tây bắc Syria vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3. Tờ báo viết rằng không rõ phe nổi dậy đã có được loại tên lửa này bằng cách nào, còn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói bà không nắm rõ thông tin về vụ việc. Trong khi đó, tờ Jane’s Defense Weekly dẫn nguồn giấu tên cho hay Trung Quốc không trực tiếp cung cấp tên lửa FN-6 cho cả chính phủ lẫn phe nổi dậy Syria. Vì vậy, tên lửa phải được tuồn vào Syria thông qua nước trung gian và theo Jane’s Defense Weekly, nhiều khả năng là Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tiền nào của nấy
Trong bản tin ngày 13.3, Hoàn Cầu thời báo tỏ ra đắc ý khi nói rằng “chiến tích” của FN-6 tại Syria có thể giúp nâng cao hình ảnh các sản phẩm quốc phòng Trung Quốc. Thống kê do Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế (SIPRI) ở Thụy Điển công bố năm ngoái cho thấy Trung Quốc xếp thứ 6 thế giới về xuất khẩu vũ khí. Đây là thành quả Bắc Kinh đạt được sau nhiều năm theo đuổi chương trình vũ khí giá rẻ, đặc biệt chú trọng đến thị trường các nước kém và đang phát triển. Theo báo cáo mật do Tổ chức RAND công bố với sự bảo trợ của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc bắt đầu cung cấp vũ khí cho nhiều nước từ thập niên 1950 mặc dù Chủ tịch khi đó là Mao Trạch Đông luôn lớn tiếng chỉ trích Mỹ và Liên Xô là những “lái buôn tử thần”. Sau khi ông Đặng Tiểu Bình trở lại nắm quyền từ năm 1977, Trung Quốc đã phát động chương trình “4 hiện đại hóa” kể cả quân sự. Từ đó, nước này ra sức cải tiến và xuất khẩu vũ khí.
Cũng theo báo cáo trên, việc “hiện đại hóa” vũ khí của Trung Quốc thật ra chủ yếu sao chép các sản phẩm do Liên Xô chế tạo từ năm 1950 - 1970. Khi đó, Bắc Kinh tập trung xuất khẩu 5 dòng sản phẩm gồm xe tăng, xe bọc thép, tên lửa đất đối không, tên lửa chống hạm và máy bay chiến đấu, theo nguyên tắc “giá cả phải chăng”. Jane’s Defense Weekly dẫn lời các chuyên gia nhận định tên lửa QW-1M do Công ty China Precision Machinery Import and Export sản xuất rất giống SA-18 Grouse của Liên Xô và có vẻ như sử dụng công nghệ sao chép từ tên lửa FIM-92 Stinger của Mỹ. Nhiều nguồn tin chưa được xác nhận từ phương Tây cho rằng Trung Quốc lấy được mẫu FIM-92 Stinger từ các tay súng Afghanistan, Pakistan hoặc thậm chí là Iran.
Hoàn Cầu thời báo dẫn lời ông Daniel Tong, người sáng lập website Hàng không Quân sự Trung Quốc, thừa nhận vũ khí Trung Quốc không được thử nghiệm nhiều trong chiến đấu như của Mỹ và Nga, thế nên việc tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về vụ phiến quân Syria dùng FN-6 bắn hạ máy bay sẽ giúp cải thiện hình ảnh sản phẩm quốc phòng nước này. Tuy nhiên, báo cáo của RAND dẫn lời các chuyên gia quân sự đánh giá rằng hầu hết các nước mua vũ khí Trung Quốc cũng chỉ vì ít tiền hoặc không có lựa chọn khác do bị phương Tây cấm vận, chứ họ thừa biết hiệu quả tác chiến của “hàng Trung Quốc giá rẻ” không cao. Ngay tại Syria, nhằm đối phó lực lượng nổi dậy, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã cố gắng tăng cường sức mạnh bằng vũ khí Nga chứ không chọn mua vũ khí Trung Quốc, dù quan hệ khá thân thiết với cả hai nước này.
Theo giới quan sát, sự hiện diện của vũ khí “made in China” ở Syria và Yemen, những điểm nóng xung đột tại Trung Đông hiện nay, có thể sẽ khiến tình hình thêm trầm trọng. Ngay cả EU, dù ủng hộ phe nổi dậy hết mình, cũng rất ngần ngại trong việc cung cấp vũ khí bất chấp những lời kêu gọi mạnh mẽ từ Pháp và Anh.
Theo trang China Military Report, FN-6 là tên lửa tầm nhiệt có thể nhắm trúng mục tiêu ở khoảng cách 6 km. Tên lửa dài khoảng 1,5 m và nặng 17 kg. QW-1M cũng có khả năng tầm nhiệt với tầm bắn 5 km, chiều dài khoảng 1,5 m và trọng lượng 18 kg. Cả hai được thiết kế để tấn công những mục tiêu bay thấp. |
Trùng Quang
>> Đài Loan “phát triển tên lửa tầm trung”
>> Triều Tiên “thử hai tên lửa tầm ngắn”
>> Mỹ tăng cường tên lửa đánh chặn đề phòng Triều Tiên
>> Iran thử thành công 2 tên lửa tầm ngắn
>> Iran tập trận, chuẩn bị thử tên lửa
>> Triều Tiên sẽ bắn tên lửa tầm ngắn vào cuối tháng 3?
Bình luận (0)