Hàng trăm ngàn hecta rừng ở Tây nguyên biến mất trong những năm gần đây đặt ra thách thức lớn về môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học…
Một khu vực rừng ở Đắk Nông biến thành rẫy trong nửa đầu năm nay - Ảnh: Ngọc Quyền
|
“Rừng xưa đã khép”
Thống kê của Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho biết đến giữa năm 2015, tổng diện tích rừng trên địa bàn Tây nguyên là 2.567.116 ha; gồm: rừng tự nhiên 2.253.809 ha, rừng trồng 313.307 ha; độ che phủ đạt 45,8%. So với kết quả rà soát 3 loại rừng năm 2008, diện tích rừng tự nhiên giảm 358.797 ha.
Ông Trần Đức Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nguyên, nhận xét không chỉ diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp mà chất lượng rừng cũng suy thoái, thể hiện ở trữ lượng gỗ rừng thấp. Rừng giàu (trữ lượng trên 200 m3 gỗ/ha) chỉ có 289.080 ha (chiếm 14,5%); rừng trung bình (từ 100 - 200 m3/ha) 822.582 ha (chiếm 41%); còn lại là rừng nghèo, rừng nghèo kiệt (44,5%)…
Theo ông Thanh, có nhiều nguyên nhân làm giảm diện tích và chất lượng rừng như: chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; phá rừng, lấn chiếm đất rừng để sản xuất nông nghiệp; cháy rừng…
“Ở nhiều địa phương, chính quyền các cấp chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về quản lý bảo vệ rừng. Đặc biệt, UBND cấp xã nhiều khi làm ngơ, hoặc có biểu hiện tiếp tay phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật”, ông Thanh nhận định.
Khảo sát của Ban chỉ đạo Tây Nguyên cũng cho thấy mất rừng còn do một số tỉnh triển khai các dự án chưa bảo đảm đúng quy định của nhà nước về quy hoạch, đánh giá tác động môi trường, thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng… Một số nơi lách luật khi giao dự án bằng cách chia nhỏ các dự án dưới 1.000 ha trong vùng chuyển đổi có quy mô hàng ngàn ha; hoặc giao cho doanh nghiệp tự khảo sát, lập dự án chuyển đổi đất rừng, tạo kẽ hở trong quản lý, bảo vệ rừng…
Nhiều hệ lụy
PGS-TS Bảo Huy, cán bộ Bộ môn Quản lý tài nguyên rừng và môi trường Trường ĐH Tây Nguyên trăn trở trước hiện trạng rừng tự nhiên đang ngày càng teo tóp. Theo TS Huy, tác động của mất rừng ở Tây nguyên không đợi đến tương lai mà có thể “nhìn thấy được” vào thời điểm hiện nay. Đó là khả năng điều hòa nguồn nước trên địa bàn kém đi, khô hạn mỗi năm càng khốc liệt hơn.
“Rừng thường gắn với nước, không có rừng thì nguồn nước ngầm và nước mặt đều bị giảm. Mất rừng còn gây xói mòn đất đai kéo dài, ảnh hưởng đến độ phì của đất, sản xuất nông nghiệp kém dần năng suất, hiệu quả”, ông Huy nhận xét.
TS Bảo Huy cũng cho rằng Tây nguyên đang trên đà suy giảm đa dạng sinh học do mất rừng; nhiều loài động thực vật trong rừng tự nhiên chưa kịp được nhận dạng, tìm hiểu có thể đã mất đi mà giới nghiên cứu chưa biết được.
TS Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, nhận định phương thức quảng canh nông nghiệp hiện nay không chỉ thiếu tính bền vững mà còn làm hại đến rừng. Theo ông Báu, áp lực dân số tăng nhanh, cùng nhu cầu phát triển kinh tế ở Tây nguyên không tránh khỏi ảnh hưởng đến bảo tồn rừng. Tuy nhiên, việc đánh đổi rừng để mở rộng diện tích các loại cây công nghiệp sẽ gây hậu quả khó lường về môi trường, sinh thái, biến đổi khí hậu...
Ông Báu nhìn nhận: “Các địa phương cần có giải pháp khẩn cấp ngăn chặn đà suy giảm của rừng trên địa bàn. Rừng phải thực sự có chủ; để bảo vệ được rừng phải có chính sách cho người dân sống gần rừng được hưởng lợi từ rừng. Thiết nghĩ, các tỉnh đồng bằng hưởng lợi từ rừng Tây nguyên cũng cần chia sẻ đóng góp quỹ để bảo vệ rừng. Nhà nước phải đóng vai trò điều phối nguồn quỹ này”.
Bình luận (0)