Chia sẻ với PV Thanh Niên, PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng: “Việc bắt buộc xét nghiệm cho toàn bộ HS trước khi trở lại trường là không cần thiết, nếu tất cả HS khi đi học đều phải xét nghiệm thì số lượng test cần thực hiện cùng lúc quá lớn, vô cùng tốn kém về kinh tế”.
Hơn nữa, theo PGS Phu thực tế hiệu quả thu được từ việc xét nghiệm tràn lan không cao, tỷ lệ phát hiện tất cả F0 không lớn. “Một người có kết quả âm tính hôm nay, đang trong giai đoạn ủ bệnh, hoặc sau đó tiếp xúc với F0 thì vẫn có thể dương tính sau vài ngày. Mà việc cho HS test liên tục mỗi ngày là không thể về mặt kinh tế”, PGS Phu nói.
Covid-19 sáng 10.2: Cả nước 2.404.651 ca nhiễm | Tăng cường giám sát dịch tễ người trở lại TP.HCM |
Theo PGS Phu, hiện cả nước đã bước vào giai đoạn “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” thay vì đi theo chiến lược “Zero Covid” nên xét nghiệm tràn lan không phù hợp.
Do vậy, thay vì yêu cầu HS phải có xét nghiệm âm tính mới được đi học trở lại, các trường học nên tập trung xét nghiệm “trọng tâm, trọng điểm” vào đối tượng nguy cơ và chú ý tới vấn đề phòng dịch.
Cụ thể, chỉ nên yêu cầu test Covid-19 với những trường hợp sau: người có tiền sử tiếp xúc với F0 hoặc nghi ngờ tiếp xúc với F0; các trường hợp có triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất khứu giác hoặc triệu chứng nghi nhiễm Covid-19 khác, nhóm còn lại không cần xét nghiệm.
Đồng thời, tăng cường các biện pháp giám sát. HS nào có triệu chứng bất thường như sốt, ho, khó thở, cần cho đi xét nghiệm ngay kết hợp điều tra dịch tễ.
Ông Phu cũng đề nghị các phụ huynh cần phối hợp tốt giữa nhà trường, gia đình và cơ quan y tế trong việc phát hiện các trường hợp nghi ngờ. Ví dụ, nếu ở nhà, con bị sốt, ho thì phụ huynh phải báo ngay cho nhà trường, cơ quan y tế. Hoặc gia đình đã có trường hợp F0 thì cần cho các cháu nghỉ học, sau đó thông báo cho nhà trường và y tế để điều tra dịch tễ.
Bình luận (0)