Thông tin trên được ông Phạm Bảo Lâm, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ (Ngân hàng Nhà nước), cho biết tại cuộc họp báo “Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng nay, 7.1.
Tiền mới mệnh giá nhỏ thường có xu hướng được sử dụng nhiều hơn trong các dịp lễ, tết, đặc biệt là mệnh giá dưới 10.000 đồng. Song, để thực hiện chủ trương tiết kiệm ngân sách của Chính phủ, trong tháng 12.2018 và tháng 1.2019 Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không phát hành tiền mới mệnh giá dưới 10.000 đồng.
Ông Lâm cho biết, chủ trương này giúp ngân sách tiết kiệm được 390 tỉ đồng trong năm 2019. Nếu tính từ năm 2013 đến nay, tiết kiệm được 2.590 tỉ đồng.
Trước đó, kể từ tháng 4.2018 đến tháng 11.2019, Ngân hàng Nhà nước vẫn đẩy mạnh lưu thông tiền mặt mệnh giá nhỏ, với tỷ lệ tăng 12% so với cuối năm 2017 để đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như nền kinh tế. Đối với tiền mặt các loại mệnh giá trong dịp tết này, Ngân hàng Nhà nước dự kiện mức điều hoà tăng 25%, trong đó bao gồm cả tiền mới và tiền mệnh giá nhỏ đã qua lưu thông.
Liên quan đến diễn biến tăng lãi suất dịp cuối năm, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm, thường vào dịp cuối năm nhu cầu vốn và sử dụng tiền của các tổ chức và cá nhân trong nền kinh tế gia tăng. Bản thân các tổ chức tín dụng cân đối để sẵn sàng đáp ứng thanh khoản và cấp tín dụng tháng cuối năm phục vụ các nhu cầu.
“Lãi suất cuối năm có tăng nhưng nếu quan sát kỹ những tháng đầu năm lại giảm, nên mặt bằng chung gần như chỉ tương đương chứ không tăng nhiều so với năm ngoái”, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Về tỷ giá, kết thúc 2018, theo bà Hồng, tỷ giá trung tâm tăng 1,6%, đối với tỷ giá liên ngân hàng và thị trường tăng 2,2%. Mức tăng này khá phù hợp, vì trên thế giới do ảnh hưởng của các đợt tăng lãi suất từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhiều đồng tiền biến động mạnh, có nước lên 30% và nhiều ngân hàng trung ương can thiệp rất mạnh.
Đối với nợ xấu, theo báo cáo tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng đang ở mức xấp xỉ trên 2% là tỷ lệ an toàn theo tiêu chuẩn (mức tiêu chuẩn dưới 3% tổng dư nợ). Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn rủi ro hiện đang ở mức 5%. Năm 2019, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước kéo giảm nợ xấu nội bảng xuống dưới 2% và nợ tiềm ẩn rủi ro xuống dưới 5%.
Bình luận (0)