Tết buồn của những ‘thất độc phụ mẫu’

30/01/2017 19:31 GMT+7

Hàng triệu bậc cha mẹ, những người chỉ được phép có một con vì chính sách kế hoạch hóa gia đình trước đây, đang trải qua cái tết buồn vì đứa con duy nhất của họ đã qua đời.

Theo tờ South China Morning Post, nhiều bậc cha mẹ lớn tuổi ở Trung Quốc có đứa con duy nhất của họ chết sớm. Những người này được gọi là shidu fumu (thất độc phụ mẫu).
Góa phụ Shi Hongbao, 68 tuổi, ở thành phố Thượng Hải là một trong những người rơi vào tình cảnh như vậy. Đứa con gái duy nhất của bà chết vì bệnh ung thư máu cách đây 4 năm.
Cô độc trong những ngày xuân
Khi người dân khắp nơi trên đất nước vui mừng đoàn tụ với gia đình trong Tết Đinh Dậu này, bà Shi lặng lẽ một mình đón Tết với kí ức buồn.
“Tôi không thích Tết nữa. Cảm giác của tôi vào những ngày nghỉ này thật kinh khủng”, bà nói.
Người con gái của bà bị bệnh ung thư máu và qua đời vào năm 2013 ở tuổi 36 sau nhiều năm trời chống chọi với căn bệnh này nhưng không để cho mẹ mình biết. Sau đó, bà Shi dọn ra khỏi căn hộ của mình ở quận Phố Đông để đến sống ở nhà của con gái ở quận Mẫn Hằng.
Căn nhà này từng là nơi sinh sống của con gái bà và chồng của cô ấy nhưng chẳng bao lâu sau khi con gái của bà qua đời, người chồng đã dọn đi và tái hôn. Vợ chồng con gái của bà không có con. Chồng của bà cũng đã qua đời ít năm trước con gái.
Tết này, cũng như mọi tết kể từ lúc con gái mất, bà Shi ở nhà một mình, xem tivi, đọc sách báo, chứ không muốn gặp ai cả. Bà có một số người bà con ở Thượng Hải nhưng bà không gặp họ trong ngày Tết để thăm hỏi, chúc tụng như trước đây khi bà còn chồng và con gái.
“Tôi không muốn làm phiền các anh chị em của tôi và gia đình của họ. Tôi cũng không muốn nhìn thấy niềm vui đoàn tụ của gia đình người khác. Chứng kiến tình cảnh đối lập giữa họ và tôi chỉ làm tôi thêm đau vì tôi đã mất đứa con gái duy nhất và chỉ còn lại một mình”.
Không hi vọng về tương lai
Bà Shi là một trong hơn 1 triệu bậc bố mẹ ở Trung Quốc trên 50 tuổi nhưng đứa con duy nhất của họ đã qua đời. Con số của những “thất độc phụ mẫu” này tăng thêm 76.000 người mỗi năm, theo số liệu chính thức.
Hiện tượng xã hội này là do chính sách một con khắc nghiệt của Trung Quốc, được đưa ra vào cuối thập niên 1970. Chính sách một con được nới lỏng cho một số gia đình vào năm 2013 và được bãi bỏ hoàn toàn vào năm 2016, cho phép tất cả các cặp vợ chồng có hai con vì chính phủ Trung Quốc lo ngại về tình trạng dân số già và lực lượng lao động sụt giảm.
Tuy nhiên, động thái này quá trễ đối với những gia đình như bà Shi vì họ là những bậc cha mẹ đã quá già nên không thể sinh con. Bà Shi than trách số phận và cả chính sách một con của nhà nước.
Hai năm sau khi con gái của bà Shi chào đời vào năm 1977, bà có bầu lại. Tuy nhiên, các lãnh đạo của nhà máy, nơi bà làm việc, đã đến nhà thúc ép vợ chồng bà phá thai.
“Chúng tôi làm theo yêu cầu mà không suy nghĩ một giây. Vi phạm chính sách một con sẽ khiến bạn bị xử phạt và mất việc”, bà nói.
Chính quyền địa phương cung cấp cho những thất độc phụ mẫu như bà Shi khoản tiền phụ cấp hàng tháng. Kể từ khi con gái qua đời, bà Shi nhận được 500 nhân dân tệ (1,6 triệu đồng VN) mỗi tháng.
Số tiền này tăng lên 720 nhân dân tệ (2,4 triệu đồng VN) trong năm nay. Tuy nhiên, khoản tiền này chẳng thể nào làm vơi đi mất mát của những thất độc phụ mẫu trong một xã hội mà theo truyền thống, cha mẹ nương tựa con cái để được chăm sóc tuổi già.
Bà Shi cho biết bà lưu giữ tất cả những gì của con gái từ những bức ảnh cho đến áo quần.
“Tôi giữ lại mọi thứ liên quan đến con gái tôi. Tôi sẽ không bỏ chúng. Tôi nhớ con gái tôi mọi phút trong những năm qua. Vấn đề lớn nhất trong cuộc sống của tôi là sự cô độc. Bác sĩ nói tôi bị trầm cảm”, bà Shi tâm sự.
“Con gái tôi rất hiếu thảo. Nó mua về cho tôi rất nhiều quà mỗi khi đi nước ngoài. Giờ đây, tôi không có hi vọng gì cho tương lai. Cuộc đời này vô nghĩa đối với tôi”, bà buồn bã nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.