Tục làm lá mùng 5 để uống của người dân làng Phú Thái (thôn An Phú, xã Quế Mỹ, H.Quế Sơn, Quảng Nam) trở thành truyền thống bao đời qua. Đã thành lệ, cứ đúng chính Ngọ ngày mùng 5.5 âm lịch, không ai bảo ai, cả làng Phú Thái lại háo hức vào rừng tìm các loại lá.
Trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, bao tay, rựa, bà Trần Thị Lượng (54 tuổi, trú tại làng Phú Thái) giục người dân cùng làng cùng đi tìm vì đã đến "giờ linh". Bà đã quá quen với những địa điểm mọc của những loại cây có vị thuốc.
Tiến thẳng đến vị trí cây đã được "đánh dấu" trong đầu, vừa chặt, bà vừa giới thiệu: "Đây là cây chè tàu, có thể chữa bệnh đau đầu, mất ngủ tốt lắm. Năm nào tôi cũng chặt một mớ để dành uống cả năm".
Cầm bụi chè tàu trên tay, bà lại hăng hái đi sâu vào rừng tiếp tục tìm kiếm những loại cây khác. Bà Lượng bảo, càng đi sâu vào rừng càng có nhiều loại lá quý và có tác dụng chữa nhiều bệnh.
Chưa đầy 30 phút, trên tay bà đã đầy ắp lá, nào là mã đề, ngải cứu, hà thủ ô, lá vằn... Dù thời tiết nắng nóng, gương mặt nhễ nhại mồ hôi nhưng bà Lượng tỏ ra hài lòng, phấn khởi vì thu được nhiều loại lá quý.
Không giống với những vùng khác thường mua lá mùng 5 tại chợ, người dân H.Quế Sơn thường có thói quen tự tay tìm kiếm những lá mang vị thuốc nam. Họ quan niệm rằng lá uống mùng 5 phải được tự tay đi hái vào giờ Ngọ thì mới linh nghiệm và có nhiều vị thuốc.
Nhờ vị trí địa lý giáp với các bìa rừng, họ dễ dàng tìm kiếm và hái được các loại cây mang vị thuốc, mang về cắt nhỏ, phơi khô, cất dùng cả năm thay các loại trà, chè. Lá mùng 5 là tập hợp của nhiều loại cây mang vị thuốc nam. Đó là những loại cây gần gũi và thân thuộc với đời sống của người dân, như: dủ dẻ, tía tô, đinh lăng, cây dung, chè vối, măng sậy, chè tàu, hà thủ ô, cỏ xước, cây sim, ngà voi, bá chứng...
Tiếp tục đi sâu vào rừng, chúng tôi bắt gặp bóng dáng gầy gò của bà Võ Thị Xuân (trú tại Phú Thái) đang đưa rựa cắt bụi lá cỏ xước. "Kiếm lá mùng 5 là phải đúng 12 giờ mùng 5 đi kiếm. Có nhiều người làm lá mùng 5 mà mùng 3, mùng 4 đã đi kiếm thì có gì là linh nghiệm, đó là lá uống bình thường, không phải lá mùng 5".
Khi được hỏi, tại sao không đi mua cho đỡ vất vả mà phải đi tìm, bà Xuân cho biết, từ xưa đến nay, cứ đến chính Ngọ, người làng lại vào rừng tìm lá. Tìm lá mùng 5 đã trở thành phong tục, tập quán. Mùng 5.5 mà không đi kiếm lá uống thì thấy thiếu thiếu, không đúng nghĩa là mùng 5.
Theo lời ông Nguyễn Thanh Kế (59 tuổi, trú tại làng Phú Thái), các loại lá được hái vào mùng 5 thì sẽ mang nhiều vị thuốc. Lá được hái, phơi vào ngày này sẽ rất thơm. Cũng theo ông, lá được hái vào giờ Ngọ mùng 5 thì mới có tác dụng chữa bệnh, nếu không cũng chỉ là một loại nước uống thông thường.
Hái lá uống mùng 5.5 âm lịch là một nét văn hóa, truyền thống lâu đời của người dân xứ Quảng nói chung và vùng Quế Sơn nói riêng.
Nhiều người dù đi làm xa nhưng đến dịp mùng 5.5 lại gọi về quê nhà, dặn dò người thân để phần lá mùng 5. Thế mới thấy hương vị dung dị của thức uống này đã gây thương nhớ cho biết bao người. Nhớ quê hương đôi khi chỉ đơn giản là nhớ hương vị lá mùng 5…
Bình luận (0)