Vì sao người trẻ miền Tây thích đổ bánh xèo vào Tết Đoan Ngọ?

22/06/2023 13:29 GMT+7

Theo nhiều người miền Tây thì bánh xèo là món ăn thay cơm, một món nhiều người làm, nhiều người ăn, mang tinh thần hội tụ, sum vầy trong ngày Tết Đoan Ngọ.

Tết Đoan Ngọ mùng 5.5 âm lịch, theo dân gian hay còn gọi là Tết diệt sâu bọ hay Tết nửa năm. Những món ăn thường xuất hiện trong dịp này là cơm rượu, bánh ú, chè trôi nước, bánh xèo

Vì sao người trẻ miền Tây thích đổ bánh xèo để ăn Tết Đoan Ngọ? - Ảnh 1.

Bánh xèo là món ăn phổ biến trong Tết Đoan Ngọ của người miền Tây

NGỌC HÂN

Ở miền Tây, vào dịp Tết Đoan Ngọ, nhiều gia đình thường đổ bánh xèo để ăn mừng cùng nhau. Chị Nguyễn Thị Ngọc Hân (33 tuổi), ngụ tại xã Vĩnh Thuận Đông, H.Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cho biết từ ngày nhỏ chị đã thấy mẹ và các dì cùng đổ bánh xèo cúng ông bà ngày mùng 5.5, thói quen này được gia đình gìn giữ hàng chục năm nay.

Bánh xèo "muỗi" ở Sài Gòn

Vì sao người trẻ miền Tây thích đổ bánh xèo để ăn Tết Đoan Ngọ? - Ảnh 2.

Bột làm bánh xèo có màu vàng ươm của nghệ, pha thêm hành lá cắt nhỏ

HUỲNH NHI

Chị Hân chia sẻ: "Ngay từ sớm mùng 5.5, nhiều người trong nhà tất bật chuẩn bị nguyên liệu. Có người ra vườn hái rau sống, người xay bột, thái củ hũ dừa, băm thịt làm nhân… mỗi người một việc, vừa làm vừa trò chuyện rất vui. Chuẩn bị từ sáng đến trưa là hoàn tất những chiếc bánh xèo nóng hổi cúng ông bà, xong cả nhà ngồi lại ăn trưa cùng nhau, ai ai cũng vui như tết".

Thái Thành Nhân (28 tuổi), ngụ tại xã Lương Hoà, H.Giồng Trôm, Bến Tre, cho biết đổ bánh xèo là một trong những kỷ niệm anh nhớ nhất về ngày mùng 5.5. Vào dịp này, trong gia đình hay hàng xóm, nhà ai cũng đổ bánh xèo như một truyền thống.

Nhân kể ở quê anh, hễ tới mùng 5.5 là lúc nấm mối trong vườn bắt đầu rục rịch mọc. Còn nhớ ngày nhỏ, anh Nhân cùng bạn đi kiếm nấm mối khắp các khu vườn. Nấm mối hiếm, đắt tiền, sau khi hái về được các dì rửa sạch làm nhân bánh xèo, ăn rất thơm và ngọt thanh, thử một lần nhớ mãi.

Vì sao người trẻ miền Tây thích đổ bánh xèo vào Tết Đoan Ngọ? - Ảnh 3.

Hình ảnh món bánh xèo dịp Tết Đoan Ngọ của gia đình Nhân

NVCC

"Dịp mùng 5.5 ở các nhà vườn miền Tây thời tiết rất mát mẻ, buổi trưa mọi người thích tụ tập làm đồ ăn cùng nhau, mà bánh xèo là món phải đông người làm mới vui, rộn ràng. Do đó người ta thích làm bánh xèo vào dịp này là vì thế", Nhân chia sẻ và nói thêm, dịp mùng 5.5 ăn bánh xèo là ngon hơn hết thảy.

"Trời mát dịu, cả nhà quây quần bên nhau cuốn bánh xèo nhân nấm mối ngọt thanh, thêm nhiều rau sống chấm nước mắm chua ngọt. Ăn một miếng bánh làm người ta cảm thấy vui hơn, xôm tụ hơn, ngày Tết Đoan Ngọ cũng đáng nhớ hơn", Nhân bày tỏ.

Bánh xèo măng tép

Vì sao người trẻ miền Tây thích đổ bánh xèo để ăn Tết Đoan Ngọ? - Ảnh 3.

Nước cốt dừa là thành phần không thể thiếu trong món bánh xèo miền Tây, giúp bánh béo thơm hơn

HUỲNH NHI

Không quá để nói bánh xèo là món ăn sum họp của người miềnTây. Soạn giả Nhâm Hùng (73 tuổi), nhà nghiên cứu lịch sử miền Tây Nam bộ, cho biết phong tục ăn bánh xèo vào Tết Đoan Ngọ đã có từ lâu, khoảng 40 năm trở lại đây. Nếu dịp Tết Nguyên đán, người miền Tây phải có bánh tét, thịt kho hột vịt thì Tết Đoan Ngọ nhà nhà sẽ có bánh xèo.

Vì sao người trẻ miền Tây thích đổ bánh xèo để ăn Tết Đoan Ngọ? - Ảnh 4.

Củ hũ dừa cắt sợi xào cùng tép làm nhân bánh xèo

HUỲNH NHI

Soạn giả Nhâm Hùng cho rằng bánh xèo là món ăn nhiều người làm và nhiều người ăn, mang ý nghĩa hội tụ niềm vui gia đình, gắn kết các thành viên, rất phù hợp cho các dịp lễ tết. Bên cạnh đó, bánh xèo là món ăn lạ, ăn no, có thể ăn thay cơm. Vào dịp đặc biệt như mùng 5.5, mọi người có thể đổi vị bữa cơm hằng ngày bằng món bánh xèo.

Vì sao người trẻ miền Tây thích đổ bánh xèo để ăn Tết Đoan Ngọ? - Ảnh 5.

Ngày mùng 5.5, nhiều thế hệ trong gia đình cùng đổ bánh xèo

HUỲNH NHI

"Văn hoá ăn bánh xèo vào Tết Đoan Ngọ rất độc đáo, gắn với lễ nghi, tình cảm và nguyên phụ liệu ở địa phương", soạn giả Nhâm Hùng nhận định và cho biết thêm yếu tố thời tiết cũng là lý do khiến bánh xèo được yêu thích vào dịp mùng 5.5. Vì đây là thời điểm mùa mưa đang bắt đầu, cây lá tươi tốt, nhiều loại rau lá chen nhau mọc như: lá cách, cát lồi, đinh lăng, đọt xoài… Đây là những loại rau tươi ngon rất hợp để ăn bánh xèo. Theo soạn giả Nhâm Hùng, rau sống ở miền Tây không chỉ là món ăn ngon mà còn là vị thuốc phòng, trị bệnh, ăn kèm với những món ăn khác giúp kích thích tiêu hoá.

Vì sao người trẻ miền Tây thích đổ bánh xèo để ăn Tết Đoan Ngọ? - Ảnh 6.

Các loại rau vườn như lá cách, diếp cá, đọt xoài, cát lồi… được hái từ sớm chuẩn bị ăn cùng bánh xèo

HUỲNH NHI

Cũng theo soạn giả Nhâm Hùng, bánh xèo miền Tây thường có kích thước lớn, một chiếc bánh phải 2 người mới ăn hết. Vỏ bánh xèo giòn rụm, vàng ươm màu nghệ, ít dầu mỡ, có vị béo ngọt của nước cốt dừa. Phần nhân bánh xèo khá đa dạng, như: nhân thịt vịt xiêm, củ hũ dừa, tôm thịt, củ sắn… một số nơi còn làm bánh xèo nhân nấm mối, bông điên điển mang hương vị đặc trưng. Cái ngon của bánh xèo là ăn cùng cả chục loại rau sống khác nhau như: cải xanh, lá cách, đinh lăng, cát lồi, đọt xoài, diếp cá… Cuốn bánh xèo với rau sống, chấm ngập trong nước mắm chua ngọt, dân dã nhưng ai cũng mê.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.