Tết là dịp hướng con đến với văn hóa cội nguồn

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
27/01/2022 07:21 GMT+7

Nhiều bậc cha mẹ tranh thủ mỗi dịp tết đến lại cùng con trải nghiệm văn hóa "> phong tục tập quán để mong con hiểu và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình, đất nước, dân tộc.

Trải nghiệm để trân trọng các giá trị truyền thống

Gia đình anh Lê Ngọc Hưng (công tác tại Văn phòng Habeco - bia Hà Nội tại TP.HCM) mỗi năm lại cho các con đang học tiểu học về nhà nội ở ngoài Bắc hoặc nhà ngoại ở Bình Phước ăn tết. Anh Hưng lý giải sở dĩ như vậy là vì muốn con cái được cảm nhận không khí đông đủ, ấm áp của gia đình cũng như được biết đến các giá trị tết truyền thống mà nếu ở thành phố thì khó có dịp trải nghiệm.

“Chúng tôi muốn con cùng với ông bà, cha mẹ dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ vào những ngày cuối năm, trong đó có việc lau chùi bàn thờ. Trong lúc cùng con dọn dẹp, tôi thường nói cho con biết vì sao bàn thờ là nơi luôn phải được sạch sẽ, trang trọng. Đồ cúng các cụ ngày tất niên, đêm giao thừa, sáng mùng 1 và các ngày tết thì phải chuẩn bị những gì. Chúng tôi dạy con cách sắm sửa ngày tết bằng những hoạt động đi chợ mua hoa, mứt, trái cây, nguyên liệu cho các món ăn, quần áo giày dép...”, anh Hưng kể.

Ngoài ra, các con anh Hưng sẽ tham gia gói bánh chưng, bánh giò. “Đây chính là khoảng thời gian rất vui và háo hức. Tôi sẽ kể cho con nghe chuyện ông bà, ba mẹ ngày xưa đón tết ra sao, những câu chuyện mà ngày thường chưa có cơ hội thủ thỉ. Sáng mùng 1 thì nhắc con dậy sớm diện quần áo đẹp nhận lì xì, sau đó cả nhà đi chúc tết... Cứ như thế, mỗi năm các con được tiếp xúc, được trải nghiệm, dần dần các giá trị tinh thần và lễ nghĩa ngày tết sẽ ăn sâu vào tiềm thức, giúp các con hiểu và trân trọng văn hóa cội nguồn”, anh Hưng nhìn nhận.

Anh Mai Hải Châu (công tác tại Trường ĐH Lâm nghiệp phân hiệu Đồng Nai) cũng nhìn nhận tết chính là dịp để dạy các con những giá trị truyền thống. “Nó cần thiết giống như việc học sinh phải học các môn lịch sử, văn hóa vậy. Nếu không có những giá trị văn hóa ấy, con người không biết nguồn gốc, không biết mình là người Việt... thì sẽ lạc lõng trong thế giới đa sắc tộc ngày nay”, anh Châu chia sẻ.

Cả gia đình quây quần gói bánh chưng sẽ giúp trẻ cảm nhận được giá trị tinh thần ngày tết

PHẠM QUANG VINH

Đừng để mai một

Theo anh Hưng, kinh tế và công nghệ phát triển quá mạnh mẽ cùng với quá trình đô thị hóa khiến một số người trẻ ngày nay dường như dần quên đi văn hóa cội nguồn. “Giá trị và sức mạnh lớn nhất của mỗi dân tộc chính là truyền thống, là văn hóa, giống như một cái nhà muốn vững chãi thì phải có móng. Trẻ em như tờ giấy trắng, nên gia đình rất quan trọng trong định hướng cho con. Hãy dạy con dù mai này có là “công dân toàn cầu”, dù thế giới có phẳng thì vẫn phải giữ được bản sắc và trân trọng các giá trị truyền thống”, anh Hưng bày tỏ.

Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Công, Phó chủ nhiệm Khoa Công tác xã hội, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhận định trong bối cảnh công nghệ lên ngôi, môi trường sống thay đổi như ngày nay, nếu không có sự tiếp nối và gìn giữ thì những giá trị văn hóa truyền thống của đất nước, của dân tộc sẽ dần mai một.

Tiến sĩ Công phân tích: “Thế hệ trẻ tiếp nhận văn hóa phương Tây và bị ảnh hưởng ngày càng rõ rệt. Mạng internet, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, dịch bệnh... đang dần lấy đi những không gian sống mang tính kết nối trực tiếp giữa con người với con người, khiến chúng ta bị mất đi nhiều hoạt động mang giá trị tinh thần. Ví dụ ngày nay không còn mấy gia đình quây quần gói bánh chưng, mà chủ yếu là đi mua. Hoặc phong tục chúc tết cũng không còn như trước, người ta có thể chúc tết nhau qua mạng, lì xì nhau bằng cách chuyển khoản...”. Theo tiến sĩ Công, nếu mất đi những phong tục tập quán tốt đẹp thì đời sống tinh thần của người Việt sẽ trở nên nghèo nàn.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phan, Trưởng bộ môn Tâm lý giáo dục, Khoa Giáo dục, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng cho rằng dù xã hội phát triển đến mức nào, thì có những lễ nghĩa, phong tục đã trở thành bản sắc tốt đẹp, thế hệ trẻ ngày nay vẫn cần phải duy trì, gìn giữ. “Đánh mất nó là đánh mất văn hóa, đánh mất bản sắc. Vì thế, tết chính là một dịp để cha mẹ giáo dục con cái những giá trị quan trọng ấy”, tiến sĩ Hồng Phan chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.