(TNO) Tết này, xã đảo Trần, huyện Cô Tô, Quảng Ninh đã thêm ấm hơi người khi đón 16 gia đình tình nguyện ra lập nghiệp.
Những căn nhà khang trang san sát nhau trên đảo Trần
|
Chúng tôi tới Mũi Ngọc, thuộc xã Bình Ngọc, TP.Móng Cái, Quảng Ninh khi trời vừa sáng. Đây là nơi chúng tôi sẽ đi xuồng cao tốc ra xã đảo Vĩnh Thực trước khi chuyển lên tàu gỗ ra đảo Trần. Trời mờ sương, rét ngọt. Một vài chiếc thuyền chở hải sản vào bờ, tiếng máy nổ xen lẫn tiếng cân cá tôm, cua ghẹ để kịp ra chợ. Dường như âm thanh quen thuộc ấy là khởi đầu cho nhịp sống ngày mới ở nơi đầu sóng này.
Chúng tôi phải choàng kín khăn, ngồi sát lại với nhau nếu không muốn bị “bay” ra khỏi chiếc xuồng đang lướt đi trên sóng. Mặc dù Tết đang đến gần nhưng nhiều ngư dân vẫn bám biển đánh cá trên vịnh Bắc bộ. Tại phao số 9, luồng cảng Vạn Gia ở xã đảo Vĩnh Thực, chúng tôi được chuyển lên tàu gỗ BP-010644 để ra đảo Trần. Do trời quá mù sang mưa, hơi nước bám trên kính nên thủy thủ phải lau liên tục cho đại úy Nguyễn Văn Cường nhìn rõ mà điều khiển tàu.
Hơn một giờ vượt biển, đảo Trần đã dần hiện ra trước mắt. Trong sương mù, từ xa chúng tôi vẫn nhìn rõ những quả đồi xanh ngút ngàn nổi lên giữa biển nước mênh mông. Năm nay, cán bộ Đồn biên phòng đảo Trần đón khách bằng hai chiếc xe điện và đưa vào khu dân cư thăm các hộ dân. Đối với 15 hộ dân mới ra đảo Trần lập nghiệp từ tháng 9.2014, Tết Ất Mùi này được xem là cái Tết của những khởi đầu mới.
Các hộ dân ra đây lập làng mới, một số gia đình ở quê không có nhà ở thì nay đã có căn nhà mới khang trang. Dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng mọi người đã dần thích nghi với cuộc sống ở nơi đầu sóng ngọn gió này. Hiện đời sống của các hộ dân đang dần ổn định. Từ ngày ra đảo Trần, vợ chồng anh Phạm Văn Dinh (quê ở Vĩnh Thực, huyện Cô Tô) làm công việc kinh doanh hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bà con trên đảo. Trong căn nhà của mình, những thùng mì tôm, nước ngọt, bột giặt, bánh kẹo... được bày trên tủ sắt, còn rau xanh, giò chả, thịt lợn... được để trong tủ đông dưới bếp.
Trong khi chị Nguyễn Thị Sằn (vợ anh Dinh) bán chả, bắp cải cho hàng xóm thì ở bể nước mưa bên ngoài có một số ngư dân làm công việc muối sứa ở đảo Trần múc nước về dùng trong những ngày Tết. Vừa bế con nhỏ vừa sắp xếp lại hàng hóa trên tủ, anh Dinh cho biết chiếc tủ khung sắt kềnh càng được hàn sẵn ở trong đất liền rồi đưa lên thuyền ra đảo. “Thời gian đầu, chúng tôi cũng nhớ gia đình nhưng dần cũng quen. Vợ chồng tôi bán hàng cũng đều khách, không chỉ có các hộ dân quanh đây mà còn nhiều ngư dân đánh cá vào đảo neo tàu cũng đến mua. Hôm nào tôi vào trong đất liền lấy hàng thì vợ ở nhà vừa bán hàng vừa trông con, tuy vất vả nhưng phải khắc phục”, anh Dinh nói.
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đưa hai giáo viên ra đây dạy học cho con các hộ dân đảo Trần. Nơi ở của cô giáo Hoàng Thị Huyền, Nguyễn Thị Tám cũng là lớp học của tụi trẻ. Chia sẻ với PV Thanh Niên Online, thượng tá Trần Văn Hiện, Bí thư Đảng ủy, chính trị viên Đồn biên phòng đảo Trần cho biết những người lính ở đây vẫn hay đùa với nhau rằng đảo Trần là “đảo Trường Sa” của Quảng Ninh. “Trước đây hòn đảo được mệnh danh “đảo tám không”: không điện, không đường, không trạm, không chợ, không trường học, không dân, không nước ngọt và không sóng điện thoại. Nhưng đến nay những cái không ấy đã được khắc phục”, thượng tá Hiện nói.
Việc đưa dân ra đảo Trần lập nghiệp không chỉ có ý nghĩa về mặt chủ quyền lãnh thổ mà còn tạo ra bước ngoặt chiến lược để phát triển kinh tế vùng biển phía đông bắc Tổ quốc. Theo ông Hiện, trên đảo có ba lực lượng vũ trang là đồn biên phòng, trạm radar hải quân, tiểu đoàn bộ đội đảo Trần, ngoài ra còn có trạm hải đăng và mới đây có thêm Cảng vụ đảo Trần. Nhờ có nhân dân mà các đơn vị bộ đội thuận lợi hơn trong việc quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển.
Trong năm 2014, ngư dân đi đánh cá báo cho bộ đội biên phòng biết có phao “lạ” rộng tới 3 m thả giáp vùng phân định ở phía tây đảo Trần. Nhận được thông tin, lực lượng biên phòng đã ra xác minh, nắm tình hình, chụp ảnh, quay phim và báo cáo lên cấp trên. Hai ngày sau đó, phao “lạ” biến mất. “Đồn biên phòng đảo Trần phụ trách vùng biển tính từ đường phân định vào rộng tới 63 km nên chúng tôi tuyệt đối không lơ là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, kể cả trong những ngày Tết Nguyên đán này”, ông Hiện cho biết.
Chuyển quà tết lên bờ
|
Xe điện là phương tiện mới được đưa ra đảo Trần để vận chuyển được thuận lợi
|
Nhà ở của cô Hoàng Thị Huyền cũng là lớp học của tụi trẻ
|
Vợ chồng anh Dinh kinh doanh hàng tạp hóa trên đảo
|
Hoa đồng tiền trồng trong tiểu đoàn bộ đội đảo Trần
|
Dãy nhà ở tiểu đoàn bộ đội đảo Trần đang được xây mới
|
Cây đa cổ thụ trong Đồn biên phòng đảo Trần
|
Đọc thư, xem tranh của học sinh tỉnh Quảng Ninh gửi
|
Bình luận (0)