(TNO) Gần tết, các khu nhà trọ công nhân càng trở nên vắng vẻ. Nhưng vắng vẻ không hẳn vì công nhân nghỉ tết, mà nhiều người đang bận rộn tăng ca... tranh thủ kiếm thêm tiền lo tết. Không dám mua sắm, không dám đi chơi, họ miệt mài tăng ca với hy vọng sẽ có thêm tiền tết, gửi về nhà.
|
Tăng ca hết công suất
Trời sập tối, anh Hà Văn Lai (31 tuổi, quê Nghệ An) mới dắt xe về xóm trọ xập xệ trên đường D13, phường Tân Thạnh (quận Tân Phú, TP.HCM). Lại thêm một ngày anh Lai tăng ca mệt nhọc.
Với đồng lương công nhân cơ bản ít ỏi chỉ 2,6 triệu đồng, anh Lai bảo mình "không đủ sống". Từ ngày đi làm, số lần anh về phòng trọ trước 20 giờ tối chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lương ít, anh Lai phải cố gắng tăng ca suốt tuần để kiếm thêm tiền. Vậy là, cứ 6 giờ ra khỏi nhà, đến 22 giờ đêm, anh Lai mới chạy xe từ công ty về phòng trọ.
Tháng giáp Tết, anh Lai nhẩm tính mình đã tăng ca gần 150 tiếng. Tính ra, số tiền tăng ca cũng đã xấp xỉ tiền lương.
“Công ty chỉ cho tăng ca nhiêu đó, chứ cho tăng nhiều hơn, tôi cũng ráng làm. Có điều, năm nay hàng về ít nên tăng ca ít hơn”, anh Lai nói.
Trong căn phòng trọ khoảng 20 m2 ở đường D13 (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú), chị Hồ Thị Dấn (26 tuổi, quê ở Nghệ An) đang ngồi ăn cơm hộp. Anh Hướng (30 tuổi, chồng chị Dấn) thì đang tranh thủ ngồi xem bóng đá. Hai vợ chồng anh chị vào TP.HCM làm công nhân đã gần 9 năm. Qua nhiều lần chuyển công ty, nhưng lương bổng thì chẳng đổi bao nhiêu, anh chị vẫn phải thuê phòng trọ giá rẻ và tăng ca thường xuyên.
|
Anh Hướng cho biết, tuần nào anh cũng tăng ca 1 tuần 3 buổi, từ 6 giờ đến 8 giờ 30 tối. “Có những lúc tăng ca về mệt quá cầm hộp cơm lên mà không ăn nổi. Công nhân mà chỉ sống bằng lương thì có mà chết đói nên dù mệt vẫn phải cố gắng làm tăng ca”, anh Hướng nói.
|
Chị Dấn thì lại phàn nàn, công ty gần tết ít hàng nên muốn tăng ca cũng khó: “Việc làm cũng bấp bênh lắm, có tháng nhiều hàng thì làm ngập mặt, tháng không có hàng có khi ngồi chơi mấy ngày”.
Tết năm nay, 2 vợ chồng chị Hồ Thị Dấn đành ở lại TP.HCM đón tết vì không có điều kiện về quê. “Ở lại thì có sắm tết gì đâu, bình thường cũng mua ít đồ phục vụ nhu cầu sinh hoạt”.
Cái Tết của hai anh chị giản dị lắm, chỉ là bữa ăn gia đình có 2 vợ chồng, nhưng cũng bớt được phần nào nỗi nhớ quê.
Tất bật với quà quê
Để tăng thêm thu nhập, công nhân phải tăng ca thường xuyên và tận dụng bằng hết sức khỏe của mình. Gần Tết, họ lại “đau đầu” khi bao nhiêu chi phí tàu xe về quê, mua quà… Nhiều người đành bấm bụng mua quà gửi về quê và chấp nhận thêm một mùa Tết xa gia đình.
Những ngày giáp Tết, quanh các vỉa hè trong khu công nghiệp Tân Bình, đồ đạc, quần áo, giày dép giảm giá được bày la liệt. Nhiều công nhân tranh thủ thời gian ra các quầy bán đồ lựa cho mình, người thân những chiếc áo, quần để đi chơi tết.
Vừa tan ca vào lúc 20 giờ 30 tối, tấp vội vào quầy bán đồ trẻ em bên lòng đường, chị Đặng Thị Mỹ Trang (38 tuổi, Thanh Hóa), làm công nhân cho một công ty chuyên may áo sơ mi nam xuất khẩu, vào lựa đồ cho 2 con trai của chị. Chị bảo, kinh tế eo hẹp nên chi tiêu gì cũng phải tằn tiện. Tuy nhiên sắp đến Tết các con chị cũng muốn mua đồ đẹp nên chị đi sắm mấy bộ quần áo cho các con.
|
Chị kể, vợ chồng chị quê ở Thanh Hóa chuyển vào TP.HCM thuê nhà trọ đi làm công nhân đã mấy năm nay. Tết năm ngoái gia đình chị có về quê, tính tiền tàu xe và tiền lì xì cho hai bên nội ngoại cũng tốn hết cả chục triệu. Thấy tốn kém quá, nên năm nay chị Trang gửi ít tiền về biếu hai bên nội ngoại, rồi ở lại TP.HCM ăn Tết.
“Còn mình ở lại thì ăn uống cũng đơn giản thôi, Tết đưa con đi chơi sở thú. Vậy chứ, loanh quanh mấy ngày hết Tết là lại trông đi làm lại để còn có tiền lo sinh hoạt gia đình”, chị Trang bộc bạch.
“Bố mẹ già ở quê nhưng không có điều kiện về, vài bữa nữa đi gửi tiền về cho ông bà ăn tết”, chị Trang nói.
Đang băn khoăn lựa đồ ở quầy bán đồ cho nam, chị Trần Thị Thu (26 tuổi, trọ ở quận Tân Phú, quê Hà Tĩnh) chia sẻ, chị quê ở Hà Tĩnh vào làm công nhân đã hơn 3 năm nay. Để có tiền mua sắm đồ tết, chị Thu phải tính toán, tiết kiệm từng tháng. Tiền ăn hàng ngày Thu cũng giảm để trong một ngày không tiêu hết 50 ngàn đồng.
Năm nay, Thu không về Tết mà mua quà và gửi một ít tiền về cho cha mẹ lo Tết. “Nói là gửi quà nhưng cũng chỉ mấy bộ quần áo giá rẻ này thôi chị ạ. Bố em ở quê tằn tiện lắm, ông ít sắm quần áo nên dịp tết này em muốn lựa cho bố ít bộ đồ gửi người quen đưa về”, Thu nói.
Bài, ảnh: Hà Minh
>> Nghỉ tết, công nhân chen chúc nhau rút tiền ở ATM
>> Chúc tết công nhân Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước
>> Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc tết công nhân Đồng Nai
>> Nhộn nhịp chợ Tết công nhân
>> Đìu hiu chợ Tết công nhân
Bình luận (0)