Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ.
Bình thường hay không bình thường?
Dịp tết năm ngoái, cũng có ý kiến đặt ra vấn đề này và nhận được khá nhiều ý kiến phản hồi. Đa số xem là bình thường, song cũng có nhiều ý kiến phản kháng quyết liệt.
Trong đó có một giáo viên cho rằng: “Đừng nhận những đồng tiền phong bì vào các ngày lễ, tết từ phụ huynh học sinh mình đang dạy. Nếu có tình cảm thật, khi con em họ ra trường hoặc không học mình nữa, họ vẫn tặng. Tôi đã nhiều lần sơ ý không kiểm tra, để lọt phong bì trong bó hoa, phải dò hỏi tìm đường hàng chục cây số để đến tận nhà “cảm ơn” và trả lại… vì cứ thấy lòng không thanh thản. Tôi nhiều lần nói với học sinh và phụ huynh là khi nào em ra trường hoặc có lương, nhớ thầy và có quà cho thầy, thầy sẽ nhận. Còn bây giờ, em cứ cất giữ hộ thầy. Vậy mà nhiều em vẫn nhớ. Nhiều năm sau thầy trò gặp lại, lòng cứ xốn xang!”.
Trường tôi dạy có một giáo viên khá lớn tuổi, thầy cũng đưa ra quan điểm: “Nhất định không nhận phong bì từ phụ huynh. Nếu tặng tôi hoa, hoặc quà thì tôi nhận”.
Quan sát thực tế, tôi thấy hầu hết giáo viên đều nhận phong bì tết của phụ huynh, chứ ít người từ chối. Trò chuyện với nhiều phụ huynh, và bản thân tôi cũng có hai cháu nhỏ, tôi thấy hầu hết phụ huynh đều nghĩ đơn giản: Tết phong bì cho thầy cô là tiện lợi nhất!
Của cho không bằng cách cho
Theo sách về phong tục xưa thì “tết thầy” ngày trước “là thu nhập của các thầy đồ từ quà cáp của phụ huynh. Một năm có 5 ngày tết, như Tết Nguyên đán, Tết thanh minh, Tết đoan dương, Tết trung thu, mùa nào thức ấy, hoặc cặp gà thúng gạo, hoặc đường mứt bánh trái, hoặc dăm ba quan tiền, tùy tình đa thiểu mà đem đến lễ thầy”. Trong thời bao cấp khó khăn trước đây, “tết thầy” cũng khá giống với truyền thống ngày xưa. Còn hiện nay, thời của kinh tế thị trường, trăm thứ hàng hóa vật chất, “tết thầy” bằng tiền được nhiều phụ huynh lựa chọn.
Trong việc tặng quà lễ, tết cho giáo viên, nhiều phụ huynh cũng thiếu tế nhị. Có không ít nhóm phụ huynh công khai bàn tính chuyện tặng quà cho giáo viên thế nào, bao nhiêu tiền… rồi tranh cãi nhau mà trong nhóm đó có cả giáo viên chủ nhiệm. Điều này khiến giáo viên không khỏi chạnh lòng.
Vì vậy, ông bà mình nói “cách cho hơn của đem cho”, thái độ quan trọng hơn giá trị đồng tiền. Chưa nói đến việc có nhiều chiếc phong bì xuất phát từ vụ lợi, thiếu trong sáng… Nhà văn Vũ Trọng Phụng có câu nói: “Ở đâu có đồng tiền lọt đến thì ở đó không còn trong sáng nữa”.
Hiện trạng “tết thầy” bằng “hiện kim hóa” phổ biến như hiện nay phải nghĩ như thế nào, là tốt hay xấu, về lâu dài có đáng lo?
Bình luận (0)