Tết Trung thu của người Việt là ngày nào: Mật ngữ thông qua ẩm thực và trò chơi

09/09/2022 15:04 GMT+7

Người Trung Quốc cho rằng Tết Trung thu xuất phát từ nền văn minh Hoa hạ nhưng về bản chất thì không thể giống và đúng với ý nghĩa cốt lõi của Tết Trung thu – vốn thuộc về nền văn minh Lạc Việt.

Bên cạnh Tết Nguyên Đán của người Việt để đón chào một mùa xuân mới thì Tết Trung thu cũng là một trong những lễ hội lớn của dân tộc Việt. Đây là một trong nhiều tết lễ trong năm nhưng là một mốc thời gian mà mọi trẻ em Việt đều mong chờ.

Tết Trung thu của người Việt mang nét đặc trưng riêng biệt và mang đậm tính nhân văn. Tuy rằng ở Trung Quốc, Đài Loan hay một số nước Đông Nam Á có Tết Trung thu. Người Trung Quốc cho rằng Tết Trung thu xuất phát từ nền văn minh hoa hạ nhưng về bản chất thì không thể giống và đúng với ý nghĩa cốt lõi của Tết Trung thu

Tết Trung thu là ngày nào?

Theo Âm lịch mỗi năm có 12 tháng (năm nhuận sẽ thêm 1 tháng nhưng không có hai ngày Tết Trung thu). Mỗi một tháng đều có ngày Rằm tức là ngày trăng tròn, nhưng trong số 12 ngày Rằm trong năm thì ngày Rằm tháng Giêng, tháng Bảy và tháng Tám là quan trọng nhất.

Đèn ông sao từ lâu đã quen thuộc với nhiều người Việt mỗi dịp Trung thu về

vũ phượng

Tết Trung Nguyên hay còn gọi là Rằm tháng Bảy, tuy là ngày tết quan trọng trong văn hóa tâm linh của người Việt nhưng gọi là Tết thì chúng ta không coi đó là ngày Tết. Chỉ có hai dịp được coi là Tết, đó là Tết Nguyên đán và Tết Trung thu.

Tết Trung Thu là Tết dành cho trẻ em, một ngày Tết chưa bị ảnh hưởng và thay đổi bởi cuộc sống hiện đại. Tổ tiên chúng ta đã tạo ra một phong tục dành riêng cho trẻ em. Qua đó vừa thể hiện sự nhìn xa trông rộng cho việc giữ gìn nền văn minh, vừa thể hiện sự cao minh khi đưa mật mã vào trong những phong tục dân gian.

Phong tục này sẽ khó bị ảnh hưởng và thay đổi bởi tính quy ước sâu đậm trong ký ức được ghi lại ngay từ khi đứa trẻ chưa biết nói. Mọi người con mang dòng máu Lạc Hồng sẽ không thể nào quên một Tết Trung thu sẽ diễn ra thế nào, cần những gì: bánh nướng, bánh dẻo, mâm ngũ quả để phá cỗ : hồng ngâm, chuối, bưởi là thứ không thể thiếu. Rồi mũ sư tử, trống cơm, đèn ông sư và quan trọng nhất chính là đèn ông sao.

Các nhà khảo cổ cho rằng, hình ảnh về Tết Trung thu đã được in trên trống đồng Ngọc Lũ, tức là nó đã phải có trước cả khi làm ra trống đồng. Sẽ không có bất kỳ một bằng chứng khảo cổ hay di tích nào còn tồn tại để chứng minh cho sự tồn tại của những thứ như bánh nướng, dẻo, đèn ông sao.

Nhiều loại lồng đèn được bày bán dịp Tết Trung thu
CAo an Biên

Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng, cũng như bánh chưng bánh dày của Tết Nguyên đán thì bánh nướng, bánh dẻo và đèn ông sao cũng gắn liền với Tết Trung thu từ ngày Tết này ra đời.

Tết Trung thu (15.8 âm lịch) năm nay rơi vào thứ bảy ngày 10.9.2022.

Mật ngữ thông qua ẩm thực và trò chơi

Bánh nướng, bánh dẻo: cho dù giống nhau về mặt hình thức nhưng bánh của người Việt khác với bánh nướng và bánh dẻo của người Trung Quốc, chính là nội dung được thể hiện bên trong chiếc bánh.

Bánh nướng vuông, bánh dẻo tròn, vị phải ngọt, bánh truyền thống đều có nhân ngũ vị hoặc thập vị. Ở đây, chúng ta đã thấy sự hiện diện của số 5 và số 10 – con số của hậu thiên.

Bánh nướng nhân sẽ có 10 vị (bánh thập cẩm), trong đó sẽ có mỡ phần của heo cắt vuông nhỏ, lá chanh thái nhỏ, thịt quay (heo hoặc gà) hoặc lạp xưởng – hạt sen, vừng, mứt bí (bí xanh), hạt bí.

Tất cả tạo nhân bánh khi trộn vào sẽ có đủ các màu: xanh, trắng, đỏ, xanh dương tượng trưng cho các hành trong ngũ hành là: Mộc, Kim, Hỏa, Thủy. Vỏ bánh nướng vuông sau khi nướng sẽ có màu nâu sậm đặc trưng, biểu tượng của hành Thổ. Chiếc bánh nướng đơn giản nhưng đầy đủ Ngũ Hành.

Người dân mua đồ chơi Tết Trung thu
Cao An biên

Tôi cho rằng, tiết Trung thu là thời điểm Kim cực thịnh nên việc tạo ra chiếc bánh được tạo ra mang hình thù đặc trưng của hành Thổ chính là sự hòa hợp giữa tiết khí và ẩm thực.

Bên cạnh đó là bánh dẻo thể hiện tính hàn thuộc âm bên cạnh bánh nướng (thuộc dương). Bánh dẻo màu trắng, hình tròn mang hình tượng của Kim.

Về mâm ngũ quả: Phá cỗ đêm trung thu, trước khi trẻ con phá cỗ thì trái cây cùng đồ chơi sẽ được bày biện để mời chị Hằng Nga. Đây chính là mâm cỗ trong công việc tế lễ, và bản chất đằng sau mâm trái cây chính là một phần không thể thiếu trong thủ tục tế lễ.

Đèn ông sao: Là thứ không thể thiếu trong Tết Trung thu. Đây là một thứ đồ chơi rất bình thường và đơn giản nhưng nó lại là một biểu tượng rất đặc biệt.

Chúng ra chỉ có thể tìm thấy đèn ông sao ở duy nhất Tết Trung thu của người Việt. Các loại đèn của Trung Quốc đều chỉ là đồ chơi thuần túy, hoặc mang tính chất dân gian theo văn hóa truyền thống.

Với mọi đứa trẻ, ước mơ được vui vẻ, được ăn uống no nê là một tiềm thức có từ khi mới sinh ra. Vậy nên tổ tiên chúng ta đã tạo ra cây đèn ông sao cho trẻ em như một chiếc đũa thần, gửi thông điệp mong ước của tất cả trẻ em, của tương lai một dân tộc, được vui chơi và sự no ấm, hạnh phúc.

Múa sư tử: Vì sao lại chọn biểu tượng là con sư tử chứ không phải là các biểu tượng linh thiêng khác như rồng hay hổ? Bên cạnh đó lại có ông Địa với khuôn mặt luôn nở nụ cười, mặt tròn bụng to đi trước múa quạt .

Trong các buổi tế lễ, sự canh giữ và bảo vệ con trẻ khỏi tà ma trong đêm là điều vô cùng cần thiết. Nó đảm bảo mọi sự cầu xin đều không có tà ma xâm nhập. Múa Sư tử cổ truyền của chúng ta thể hiện rõ nét sự bảo vệ linh thiêng, cũng giống như sư tử ở cửa đền chùa của người Việt (không phải đe dọa).

Múa lửa trong đêm, dùng lửa để cân bằng âm dương khi về đêm âm khí vượng. Trống tạo nên một nhịp điệu cho mọi người tập trung, hòa điệu cùng với điệu múa. Đó chính là điều kiện cho một đàn cúng lễ thành công – sự tập trung và đồng điệu.

Lễ phá cỗ đêm Trung thu bản chất là một đàn cầu lễ mang rất nhiều ý nghĩa nhân văn. Qua đó cũng thể hiện một tư duy vượt trội so với các nền văn hóa khác, cũng như thể hiện một tri thức cao thâm thuộc về một nền văn minh kỳ vĩ của tổ tiên chúng ta.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.