Nguyễn Văn Khiêm (quê Quảng Ngãi), sinh viên Trường ĐH khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Năm nào mẹ mình cũng gói bánh tét rất sớm. Nói chung là thường gói trước ngày 23 tháng chạp để có bánh kịp cúng đưa ông Táo về trời”.
Khiêm kể: “Năm ngoái, mới vào Sài Gòn học năm nhất xa nhà nên những ngày giữa tháng chạp là mình đã nôn nao về quê. Rồi gọi điện dặn 'mẹ nhớ chờ con về hãy gói bánh' vì mình thích cái cảm giác được phụ mẹ làm các công đoạn trước khi gói bánh như: đi rọc lá chuối, phơi lá chuối, chẻ lạt (dây để buộc bánh), rồi ngồi xem mẹ gói bánh. Thi thoảng mẹ lại sai chạy lấy giúp cái này, cái kia cho mẹ... vui lắm”.
Khiêm kể tiếp: “Thông thường khi gói xong những đòn bánh đẹp, còn lại một ít nếp, đậu xanh và thịt heo mẹ thường gói vài đòn bánh tét nhỏ. Đây là những cái bánh không cúng mà mẹ làm thêm để khi nấu xong vớt cho mấy anh em ăn thử. Ôi, mà cái cảm giác ăn thử cái bánh đầu tiên nó ngon không thể tưởng tượng nổi”.
|
Còn Trần Thị Ngọc Thúy (quê Bà Rịa-Vũng Tàu), sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, khoe: “Mẹ mình gói bánh tét rất ngon, vì vậy dù có ăn bánh tét ở đâu thì mình cũng không thấy ngon bằng bánh tét của mẹ làm cả”.
Thúy nói: “Chính vì bánh tét của mẹ mình gói rất ngon nên ai ăn một lần là cứ nhớ mãi. Rồi họ cứ nhắc nên năm nào mẹ cũng gói rất nhiều bánh tét (thường khoảng 30 đòn) để làm quà cho những người thân quen”.
“Mình thấy mẹ nấu đậu xanh cho chín, sau đó nêm da vị vào rất đậm đà để nguội rồi nắn thành một cây nhân dài theo đòn bánh tét. Còn nếp thì mẹ ngâm trước đó vài tiếng đồng hồ, sau đó vớt ra gút cho vào và trộn với nước cốt rau bồ ngót cho bánh nó xanh rất đẹp. Mỗi đòn bánh tét ngoài nếp, một cây nhân đậu xanh, có đến nửa ký thịt heo lận. Cho nên đón bánh tét của mẹ mình gói khi thành phẩm nó rất to và ăn kèm với dưa hành của mẹ làm nữa thì ngon tuyệt cú mèo”, Ngọc Thúy cho biết.
|
Mặc dù đã có gia đình và sinh sống ở Sài Gòn, nhưng anh Lê Văn Thanh Hùng (35 tuổi), ngụ tại 4/5/8 đường số 10, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức (TP.HCM) nói: “Tết nào mình cũng dẫn bà xã và con gái về quê nội ở Bình Phước ăn tết. Thông thường thì khoảng ngày 27 tết là cả nhà tập trung gói bánh. Mẹ là nhân vật trung tâm, còn những người như mình, bà xã và mấy đứa em thì mỗi người đảm nhiệm một công đoạn khác nhau”.
“Bà xã và mấy đứa em thì có nhiệm vụ rọc lá chuối, phơi và lau lá chuối. Riêng mình có nhiệm vụ thiết kế một cái bếp để nấu bánh. Đó là đào một cái hố nhỏ, tìm mấy cục đá kê 3 đầu thành một cái bếp phía sau nhà và tìm một mớ gốc củi để nấu bánh và thức canh châm nước vào nồi bánh tét suốt đêm. Nồi bánh tét nấu khoảng 18-20 tiếng mới vớt ra”, anh Hùng nói.
|
Theo anh Hùng, sở dĩ mình nôn nao và chờ đợi về quê ăn tết là nó có những niềm vui mà ở thành phố khó tìm được. Và với mình thì mỗi dịp tết đến, xuân về vui nhất là được về quê để xem mẹ gói bánh tét và canh nấu nồi bánh tét thâu đêm cho mẹ. Được ăn chung những bữa cơm đầm ấm, sum vầy ngày tết với tất cả những thành viên trong gia đình do cả năm mọi người đi làm khắp nơi nay có dịp được tề tựu về bên ba mẹ. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của mỗi người con xa quê trong dịp tết đến, xuân về.
Bình luận (0)