Tết vui nhé, bé cưng!

30/01/2014 06:12 GMT+7

(TNTS Xuân) Đối với trẻ con, tết có lẽ là khoảng thời gian được mong chờ nhất trong năm. Ngoài việc được mua sắm quần áo mới, được nhận lì xì thì chúng còn có thể vui chơi mà không bị người lớn nhắc nhở việc học bài... Vậy làm thế nào để trẻ hưởng một cái tết trọn vẹn, vừa vui, khỏe, vừa an toàn mà ý nghĩa?

 Tết vui nhé, bé cưng!

Giữ nhịp sinh hoạt bình thường

Vào những ngày tết, trẻ con rất dễ bị cuốn vào nếp sinh hoạt của người lớn. Ngoài việc tất bật chuẩn bị Tết thì cha mẹ chúng còn phải tham gia khá nhiều buổi tiệc vui với cơ quan, đồng nghiệp, bạn bè và cả với những người thân, anh em, họ hàng.

Nếu như người mẹ “dễ dãi” thì  bé chỉ ăn qua loa hoặc thích gì ăn nấy, kể cả tự do ăn bánh kẹo, uống nước ngọt. Điều này sẽ dẫn tới rất nhiều hệ lụy, trong đó, hai điều rõ ràng nhất là trẻ gầy thì càng gầy hơn mà trẻ mập lại có nguy cơ béo phì, chưa nói đến nguy cơ rối loạn tiêu hóa, khiến năm mới của bé và gia đình mất vui. Để bé có được cái tết trọn vẹn, theo bác sĩ Nguyễn Thanh Danh, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, thì cha mẹ nên cố gắng giữ đúng nhịp sinh hoạt của bé từ trước đến nay.

Trước hết, đối với trẻ sơ sinh, người mẹ phải đảm bảo cho bé “ăn” đúng giờ. Hệ tiêu hóa của bé còn non nớt nếu như bị xáo trộn, bé có thể bị sốc. Các bà mẹ cần bảo đảm hệ tiêu hóa của bé khỏe mạnh bằng chế độ dinh dưỡng lành mạnh như ngày thường. Và điều đặc biệt, các bà mẹ đang cho con bú hãy nói không với bia, rượu, cà phê và những chất kích thích khác. Hạn chế các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, nhiều chất bảo quản, giàu năng lượng, khó tiêu như lạp xưởng, thực phẩm đóng hộp, nước ngọt... Trẻ sơ sinh cũng dễ bị căng thẳng, khó chịu như người lớn nên mẹ phải tránh cho bé thức khuya, tránh tiếng ồn ào để bé ngủ đủ giấc.

Còn với trẻ nhỏ, hãy cho bé vui chơi, ăn uống một cách lành mạnh, khoa học. Tránh tình trạng cho bé thoải mái xem ti vi hay chơi điện tử cả ngày mà hãy tranh thủ cho bé ra ngoài trời bằng những trò chơi vận động nhẹ nhàng hoặc đưa bé đến khu vui chơi dành cho trẻ em. Bên cạnh đó, dinh dưỡng của bé cũng cần phải cân đối. Ví dụ bé đã ăn một lát bánh chưng to thì chỉ nên cho ăn kèm thêm rau và uống nước lọc. Nếu bé đã uống một ly nước ngọt thì bữa chính nên hạn chế lạp xưởng, thịt và thêm vào đĩa salat rau quả...

Lưu ý khi đưa trẻ đi xa

Tết Giáp Ngọ 2014, học sinh được nghỉ 16 ngày nên hoạt động vui chơi của trẻ em cũng sẽ nhiều hơn và kéo dài ra. Nếu gia đình đi du lịch xa hay về quê thăm ông bà thì nên cẩn thận tránh những phát sinh gây bất tiện cho gia đình, đặc biệt liên quan đến vấn đề sức khỏe của bé. Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Danh, sức đề kháng của trẻ còn yếu, hãy chú ý đến việc thay đổi thời tiết đột ngột. Nếu gia đình ở miền bắc hãy giữ ấm cơ thể bé trước những cơn gió lạnh để tránh bị viêm họng dẫn đến sốt rồi cảm cúm... Còn thời tiết miền nam nắng nóng, cha mẹ cần bảo vệ bé tránh khói bụi, đặc biệt phải đeo khẩu trang khi đến những vùng có nhiều mùi lạ, hương hoa, phấn hoa để tránh bị dị ứng. Khi đi chơi xa cần lưu ý mang theo đủ các loại thuốc trẻ cần dùng như thuốc hạ sốt, thuốc đau bụng, men tiêu hóa...

Dịp tết cũng là lúc giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường nên trẻ nhỏ hay mắc các loại bệnh như viêm họng, cảm lạnh, sốt, tiêu chảy... Vì vậy, cha mẹ nên cố gắng mang theo những thứ cần thiết để phòng ngừa và dùng khi cần đến. Ngoài các loại thuốc như trên cha mẹ nên chuẩn bị đủ quần áo ấm cho trẻ để dùng  vào ban đêm và cả ngày nếu trời lạnh.

Vấn đề dinh dưỡng khi đưa trẻ đi chơi xa cũng cần lưu ý. Việc di chuyển thường xuyên khiến cơ thể bé mệt mỏi sẽ gây ra tình trạng chán ăn. Cha mẹ cần mang theo sữa bột, bột dinh dưỡng, nước ấm (chứa  trong bình giữ nhiệt nhỏ), nước lọc... để trẻ dùng khi đói. Ngoài ra, có thể cho trẻ ăn thêm trái cây (nên ưu tiên trái cây nhiều vitamin C), bánh ngọt và một ít sữa chua để tăng khả năng tiêu hóa. Theo lời khuyên của bác sĩ Danh, dù đi chơi xa, cha mẹ không nên cho trẻ ăn qua loa, tùy tiện mà cố gắng cho trẻ ăn uống đúng giờ, đầy đủ và vệ sinh để tránh các bệnh về đường tiêu hóa.

Cha mẹ cũng nên lưu ý đến không gian chơi của trẻ, vì dù ở đâu, trẻ nhỏ cũng phải thật sự thoải mái. Không nên đưa trẻ đến các lễ hội, hội chợ, đền thờ... vì vào dịp này, các nơi đó rất đông người sẽ khiến trẻ bức bối, khó chịu và quấy khóc. Cũng không nên cho trẻ đi quá xa và quá lâu.

Dạy trẻ về tết truyền thống của dân tộc

Theo các chuyên gia tâm lý, khi văn hóa phương Tây đang thâm nhập ngày một sâu sắc vào thế hệ trẻ Việt Nam thì cha mẹ nên dạy cho bé hiểu tết cổ truyền có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt như thế nào. Trẻ cần hiểu được những giây phút gia đình sum họp trong ngày tết là vô cùng ý nghĩa và thiêng liêng. Những điều cơ bản cha mẹ nên dạy bé là về ngày cúng ông Táo về trời (23 tháng chạp), về câu “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, giải thích cho bé về hoa đào miền bắc, hoa mai miền nam, mâm ngũ quả, câu đối... Đặc biệt, tết đến là dịp trẻ được nhận tiền mừng tuổi, cần dạy cho trẻ biết xư xử khi nhận những bao lì xì này, tránh trường hợp có những đứa trẻ khi nhận bao lì xì liền mở ra xem, thấy “bèo” quá là lập tức giận dỗi khiến nhiều cha mẹ thấy xấu hổ.

Ngoài ra, cha mẹ nên cho trẻ tham gia vào các hoạt động như dọn dẹp nhà cửa, gói bánh chưng, bánh tét, làm mứt, đi chợ mua hoa, bày mâm cúng tết... Hành động này không chỉ giúp trẻ hòa nhập với anh em, họ hàng mà còn làm cho trẻ hiểu thêm về truyền thống của gia đình Việt.!

Biên Thảo

>> Ăn tết vui mà khỏe
>> Tết vui với những ngư dân trẻ
>> Tết vui đời thợ
>> Tết vui của người trồng hoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.