Mãi đến thật lâu sau này, khi đã trưởng thành, tôi mới nhận ra rằng việc cấm đốt pháo là hợp lý. Bởi vì, việc đốt pháo gây tốn kém, nguy hiểm đến sức khỏe cộng đồng và dễ gây hỏa hoạn. Thế nhưng, tiếng pháo và mùi pháo tết vẫn có một sự lưu luyến khôn nguôi trong tâm thức tôi, vào mỗi độ tiết trời vào xuân, mùa tết đến.
Đúng vậy, khi ai đó đã sống rất lâu trong một thói quen được nâng lên thành phong tục, người ta sẽ cảm thấy tiếc nuối khi thiếu nó. Tiếng pháo cũng vậy. Nói đến tết là nói đến múa lân, mà lân múa hay phải nhờ tiếng pháo. Không có tiếng pháo, niềm vui tết như thiếu hẳn một cái gì rất khó giải thích. Quê tôi có người theo đạo Công giáo nhưng rất ít, chỉ là một cộng đồng nhỏ. Những người ngoại đạo như tôi không đón Giáng sinh. Thay vào đó, chúng tôi nhận biết khoảng thời gian sắp tết qua mùa gió bấc, tiết trời rất lạnh, ít mưa. Tầm cuối tháng 12 tây lịch, nhà nhà bắt đầu tỉa cây, rửa nhà, sơn nhà, cắt giấy dán tường, trang hoàng nhà cửa và chuẩn bị mua sắm dần dần.
Ngày ấy, không có tiếng pháo, niềm vui tết như thiếu hẳn một cái gì rất khó giải thích |
shutterstock |
Vào giữa tháng chạp, mọi thứ coi như đã xong xuôi để đón thời khắc giao thừa. Trong những thứ sắm tết, pháo là thứ không thể thiếu.
Đêm giao thừa, nhà nào cũng chưng dưa hấu và bánh mứt cho mâm cúng. Nhà giàu thì chọn mua pháo Bình Đà với một phong dài 4,5 thước, treo từ tầng 3 thả xuống sát mặt đất. Nhà khá giả trưng phong pháo dài chừng 1 thước. Nghèo hơn, chơi phong pháo trung, dài hơn gang tay, nghèo hơn nữa chỉ cần một phong pháo tiểu. Sau khi cúng đón ông bà xong, nhà nhà thi nhau đốt pháo. Dù đã 12 giờ đêm, nhưng tiếng pháo vang rền tứ phía, khói phủ mịt mù. Có năm, ba tôi phải lấy xe đạp chở tôi, còn anh chị đi một chiếc xe đạp khác chạy ra vùng đất thoáng đãng như chùa để hái lộc, đồng thời để trốn bầu không khí đậm đặc mùi thuốc pháo.
Thế nhưng, lớn lên một chút, tôi xin ba không đi chung mà tranh thủ đi dọc từ nhà này sang nhà khác để lượm những viên pháo rơi ra, chưa kịp nổ. Đối với đứa trẻ nghèo như tôi ngày ấy, việc có tiền để mua pháo lẻ đốt chơi cũng là một ước mơ. Vì vậy, những nhà nào đốt pháo phong lớn và dài, cả đám con nít bu xung quanh, để nghe tiếng pháo giòn giã, vừa đợi dứt tiếng nổ, sẽ bu vào giành giật những viên pháo còn sót lại. Chủ nhà cũng thích thế, vì khung cảnh thật náo nhiệt và vui tươi của ngày đầu xuân. Những viên pháo mót được ấy, chúng tôi để dành đốt xuyên suốt qua 5 ngày tết vì mùng 6 đã đi học trở lại, không còn được rong chơi.
Việc đốt pháo này đáng nhớ vì nó chứng tỏ bản lãnh đàn ông. Hồi còn nhỏ tuổi, còn nhát gan, tôi đặt viên pháo tiểu vào một khe hở nào đó, rồi đứng cách xa một tầm tay, cầm cây nhang đỏ lửa châm vào ngòi pháo. Khi ngòi pháo cháy xè xè, tôi chạy ra một đoạn xa nhìn viên pháo nổ rồi phá lên cười cùng đám bạn. Lúc ấy, chúng tôi nhìn thấy các anh lớn hơn dám cầm viên pháo trên tay, đốt ngòi cháy xè xè một lúc rồi mới quăng đi, có khi viên pháo nổ lớn ngay trên không trung. Đó là một hình ảnh mạnh mẽ, huy hoàng và tuyệt hảo. Nó kích thích những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn phải thử cho được. Lần đầu tiên tôi đốt viên pháo trên tay, rất hồi hộp và lo sợ. Ngòi pháo chưa kịp cháy tôi đã quăng đi. Mấy đứa bạn chọc ghẹo thằng thỏ đế. Máu anh hùng nổi lên, tôi cầm viên pháo thật chặt trong tay, châm lửa đốt. Tôi không thể để mất mặt đàn ông, cầm lâu hơn mức cho phép, và viên pháo nổ đùng trên tay. Bàn tay tôi ám khói, ngón cái và ngón trỏ tét vài đường, chảy máu. May mà đó là viên pháo tiểu. Mấy đứa bạn nhỏ hốt hoảng bu lại xem có cách gì cấp cứu. Tôi chạy về nhà và mặt mày lấm la lấm lét. Ba la một trận rồi dùng ô xy già rửa vết thương và băng lại cho tôi. Thế mà qua hôm sau, tôi lén ba nhào vô tranh lượm pháo với mấy thằng bạn nhỏ.
Múa lân ngày tết |
khả hòa |
Cái cảnh đốt pháo mà tôi thấy thi vị nhất thuộc về các đoàn lân. Tiết mục lân trèo cây luôn là một màn công phu mãn nhãn. Con lân khởi đầu múa dưới đất. Lúc đầu chào gia chủ trước sân, múa vài vòng thì xông nhà kiểu như mang may mắn đến. Lát sau, cả lân và địa lùi ra sân múa vài đường, thì nhấp nhử bước lên thanh cây rất cao. Thời ấy, do điều kiện vật chất còn thiếu thốn, các đoàn lân sử dụng thân cây tre lồ ồ làm cột. Phía dưới, 5 - 6 thanh niên trụ tấn giữ cho thanh cột đứng thẳng. Lân theo nhịp trống nhấp nhử một hồi thì chạy ào lên thân cây. Họ vừa múa vừa trèo lên cao hơn nữa, chờn vờn một chút thì tót lên đỉnh. Trên đó, họ châm lửa đốt rồi xả một phong pháo dài tới đất. Tiếng pháo nổ vang trời còn xác pháo bay tứ tung trên không trông đẹp mắt. Xong tiếng pháo trên cây, dưới đất, ông địa quấn quanh mình phong pháo lớn và châm ngòi đốt. Ông nhảy nhót và lăn tròn dưới đất theo tiếng pháo nổ, quần áo ám màu thuốc pháo. Chúng tôi há hốc miệng đầy ngưỡng mộ.
Sau này, tôi biết được rằng để biểu diễn được màn múa pháo ấn tượng đó, những nghệ nhân múa lân phải khổ luyện nhiều năm. Thế nhưng, công việc múa lân không kiếm được tiền quanh năm, chỉ là chút ít quà bánh vào dịp tết. Ngày thường họ mưu sinh bằng nghề làm ruộng, chài cá, chạy xe lôi, buôn bán. Họ tham gia đoàn lân, tập luyện màn múa pháo chỉ với một ý nghĩ bình dị là mang lại niềm vui cho mọi người vào ngày đầu năm.
Từ lâu rồi, ngày tết không còn tiếng pháo. Thế hệ 7x như tôi có sự hoài nhớ nhưng thế hệ 8x trở đi chẳng quan tâm vì nó chưa từng là một phần ký ức của họ. Tết không có pháo vẫn vui theo một kiểu khác, quan trọng là an toàn và tránh hoang phí.
Bình luận (0)