Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tình hình thực hiện giải ngân 8 tháng năm 2021 đạt 183.320 tỉ đồng, đạt 39,74% kế hoạch Thủ tướng giao (461.300 tỉ đồng); dự kiến giải ngân đến 30.9 là 218.550 tỉ đồng, đạt 47,38% kế hoạch. Như vậy, còn hơn 240.000 tỉ đồng đang chờ giải ngân từ nay đến cuối năm.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng cho rằng từ nay đến cuối năm chỉ còn 3 tháng nữa, trong khi còn hơn 50% nguồn vốn đầu tư công phải giải ngân. Đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi quyết tâm rất cao mới làm được, bằng cách tập trung khắc phục những hạn chế trong đầu tư công. Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã thống nhất lộ trình mở cửa nền kinh tế, các địa phương căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế để có lộ trình phù hợp để phát triển kinh tế - xã hội.
Về nhiệm vụ cụ thể thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn tạm thời trên tinh thần theo địa bàn, phạm vi, đối tượng nhỏ nhất, hẹp nhất có thể, nhanh nhất có thể, linh hoạt nhất có thể. Trên cơ sở kiên định các nguyên tắc chung, địa phương phải linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, nếu thực hiện các giải pháp khác với chỉ đạo chung thì phải báo cáo cấp trên trực tiếp để bảo đảm thống nhất, hiệu quả.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý, việc giao vốn phải chuẩn bị kỹ càng, lựa chọn đúng các công trình trọng tâm, trọng điểm. Trong điều kiện nguồn vốn nhà nước có hạn, phải theo đúng tinh thần kết luận của T.Ư là đầu tư công phải dẫn dắt và kích hoạt đầu tư của mọi thành phần kinh tế, huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển. Vì vậy, cần sớm hoàn thành việc giao kế hoạch vốn chi tiết cho các chương trình, dự án khởi công mới, rà soát kỹ, chủ động điều chỉnh vốn từ dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, từ cơ quan, địa phương này sang cơ quan, địa phương khác theo quy định.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương, bộ, ngành tăng cường trao đổi, làm việc trực tuyến, hồ sơ giấy tờ gửi theo đường công văn, “không phải cầm hồ sơ trực tiếp chạy lên các bộ, ngành T.Ư” để tiết kiệm thời gian, chi phí, tránh phiền hà, nhất là trong bối cảnh rất cần tiết kiệm lúc này. Bộ Tài chính được giao tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát thanh toán, rút vốn từ các nhà tài trợ nước ngoài. Văn phòng Chính phủ cùng Bộ KH-ĐT công khai tiến độ giải ngân hằng tháng của các bộ, cơ quan, địa phương trên Cổng thông tin điện tử và các phương tiện thông tin đại chúng để khen chê kịp thời, phân minh, nếu không sẽ dẫn đến trì trệ.
Chính phủ đồng ý giảm 30% tiền thuê đất trong năm 2021Ngày 28.9, Văn phòng Chính phủ cho biết Thủ tướng vừa có quyết định về việc giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, đối tượng áp dụng là tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm (người thuê đất). Quy định này áp dụng cho cả trường hợp người thuê đất không thuộc đối tượng miễn, giảm tiền thuê đất và trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.
Về mức giảm, quyết định quy định giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021; không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước 2021 và tiền chậm nộp. Trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định thì mức giảm 30% tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp sau khi đã được giảm theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ giảm tiền thuê đất gồm: giấy đề nghị giảm tiền thuê đất năm 2021 của người thuê đất; quyết định cho thuê đất hoặc hợp đồng thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Người thuê đất nộp một bộ hồ sơ đề nghị giảm tiền thuê đất cho cơ quan thuế, ban quản lý khu kinh tế, ban quản lý khu công nghệ cao... từ ngày 25.9 đến hết ngày 31.12.2021.
|
Bình luận (0)