Thách thức lớn nhất với kinh tế Trung Quốc

27/08/2016 17:36 GMT+7

Cách hay nhất để mô tả tình thế nan giải của Trung Quốc cũng là cách đơn giản nhất: Họ có thể nỗ lực đạt mức tăng trưởng tối đa bây giờ hoặc sau này, không phải là cả lúc này và trong tương lai.

Theo Bloomberg, chính phủ Trung Quốc cũng nhận thức được rằng việc thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới trong dài hạn liên quan đến chuyện thay đổi cấu trúc, điều vốn sẽ làm nền kinh tế giảm tốc trong ngắn hạn. Thành công trong việc tạo thế cân bằng của Đại lục khiến nhiều nhà phân tích ngạc nhiên. Họ đưa ra kế hoạch cải cách đầy tham vọng trong một số lĩnh vực, cùng lúc cũng để tăng trưởng ở mức độ vừa phải hơn, nhẹ nhàng hơn (theo tiêu chuẩn Trung Quốc) là dưới 7% mỗi năm.
Dù thế, tình huống nan giải vẫn tồn tại. Giải quyết nó là vấn đề cấp bách.
Mối đe dọa lớn nhất với Trung Quốc là sự mở rộng tín dụng không ngừng và không thể kiểm soát. Cho các doanh nghiệp thất bại vay vốn là việc kéo năng suất tổng thể của nền kinh tế đi xuống dài hạn. Nó không khuyến khích các nhà cung ứng mới, hoạt động hiệu quả hơn bước vào. Nó trầm trọng hóa nguy cơ tài chính, đặc biệt là vì phần nhiều các khoản vay được mở rộng thông qua tín dụng ngầm không được giám sát hay tính toán đúng.
Vấn đề nợ gắn liền với vai trò tiếp diễn của các doanh nghiệp quốc doanh. Nhóm doanh nghiệp này kém hiệu quả hơn, ít lợi nhuận hơn doanh nghiệp khu vực tư. Họ dựa nhiều vào tín dụng - điều dễ dàng có được nhờ sự đảm bảo ngầm từ chính phủ. Có bằng chứng cho thấy chuyện thua lỗ và “sắp phá sản” trong nhóm doanh nghiệp quốc doanh đang tăng.
Trong báo cáo mới đây nhất về kinh tế Trung Quốc, giới chuyên gia kinh tế thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước yếu kém lên cao trong danh sách những cải cách cần thực hiện. Chính quyền Trung Quốc đã công bố vài sáng kiến, chẳng hạn như giảm kích thước của các nhà sản xuất than và thép. Song tựu chung, IMF vẫn cho rằng tiến độ hiện rất chậm.
Chính phủ Trung Quốc liên tiếp gửi thông điệp nhiều chiều. Một mặt, họ khẳng định sự cần thiết của việc tái cơ cấu nhiều công ty “xác sống” và khuyến khích sở hữu tư nhân. Mặt khác, họ nói rằng các công ty nhà nước nên lớn hơn, mạnh hơn để phục vụ tốt hơn “chiến lược quốc gia”. Điều cần thiết lúc này là chiến lược rộng lớn, rõ ràng hơn, không chỉ tập trung vào các doanh nghiệp quốc doanh mà còn vào chuyện nợ doanh nghiệp đang đi lên.
Thiệt hại cần được ghi nhận, sau đó được các doanh nghiệp, chủ nợ và chính phủ chia sẻ. Bảo đảm ngầm cần phải giảm bớt. Các doanh nghiệp phải bị đóng cửa hoặc tái cơ cấu, đi cùng với việc giúp đỡ công nhân viên tìm việc mới. Quản lý chính sách như trên là thách thức rất lớn và không thể được thực hiện cùng một lúc, ban biên tập chuyên mục Bloomberg View viết.
Chính phủ Trung Quốc không chống cải cách kinh tế. Họ đã chuyển sang hệ thống tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn, thúc đẩy tiêu dùng và giảm bớt sự phụ thuộc của đất nước vào xuất khẩu. Họ tăng cường hệ thống tài chính bằng cách khiến thuế giá trị gia tăng toàn diện hơn, thêm minh bạch ngân sách chính phủ địa phương và khuyến khích phát triển đô thị.
Tuy vậy, vẫn còn ở đây nhiều việc phải làm. Nợ là dòng đầu trong danh sách. Sức khỏe dài hạn của kinh tế Trung Quốc không chỉ là ưu tiên đối với người Trung Quốc, mà theo thời gian, còn là ưu tiên đối với thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.