Thách thức nào trên đường vào EU của Ukraine?

Thách thức nào trên đường vào EU của Ukraine?

14/12/2023 09:28 GMT+7

Tại hội nghị thượng đỉnh tuần này, 27 nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) có thể quyết định liệu có nên khởi động các cuộc đàm phán thành viên chính thức với Ukraine hay không. Nhưng Ukraine cần phải làm gì để duy trì được nỗ lực trở thành thành viên của mình?

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) có thể đưa ra quyết định tại hội nghị thượng đỉnh trong tuần này về khả năng khởi động các cuộc đàm phán thành viên chính thức với Ukraine.

Bước đi này sẽ mang đến sự động viên rất cần thiết cho Ukraine, nơi đang bị tàn phá nặng nề vì chiến sự, cũng như mang lại các đảm bảo nhất định về hỗ trợ quốc phòng từ nước ngoài trong tương lai để chống lại Nga.

Nhưng Ukraine phải vượt qua những thử thách nào để giữ được giấc mơ EU?

Brussels đề nghị tư cách ứng cử viên cho Kyiv chỉ 4 tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2.2022. Điều này đã thúc đẩy chính quyền Kyiv khẩn trương cải cách các lĩnh vực ưu tiên đã được Ủy ban Châu Âu xác định.

Tháng 11, ủy ban báo cáo rằng Ukraine đã thực hiện bốn trong số bảy khuyến nghị của mình.

Hầu hết các yêu cầu đều nhằm mục đích củng cố nhà nước pháp quyền - bao gồm việc tuyển dụng các quan chức chống tham nhũng, chuẩn bị cho cơ quan tư pháp cho một cuộc cải tổ lớn và điều chỉnh luật truyền thông phù hợp với các tiêu chuẩn của EU.

Ủy ban đề nghị đáp ứng ba điều kiện còn lại trước khi các cuộc đàm phán chính thức được bắt đầu và cho biết họ sẽ đánh giá lại tiến trình của Ukraine vào tháng 3 tới.

Ukraine phải làm gì để duy trì nỗ lực trở thành thành viên EU? - Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau cuộc họp báo chung tại Kyiv, ngày 9.5.2023.

REUTERS

Đến ngày 8.12, nghị viện Ukraine đã thông qua các luật đáp ứng hầu như mọi điều kiện. Nhưng việc hoàn thành các yêu cầu ngắn hạn chỉ là một phần trong quá trình xem xét kết nạp.

Ủy ban đã đưa ra các đề xuất thay đổi chính sách sâu rộng trên nhiều lĩnh vực vào cuối năm 2024 - bao gồm các lĩnh vực từ hành chính công đến an toàn thực phẩm.

Ukraine được kỳ vọng sẽ chứng tỏ năng lực trong cuộc chiến chống tham nhũng, tăng cường trấn áp nạn buôn lậu bất hợp pháp quy mô lớn, cải cách việc thực thi pháp luật và tìm cách tái hòa nhập số người Ukraine lánh nạn vào thị trường lao động để củng cố nền kinh tế.

Ngoài ra còn có một số biện pháp chi tiết hơn, như cải thiện việc thu thập số liệu thống kê nhà nước của đất nước và đưa các quy định về quyền sở hữu trí tuệ phù hợp với các quy định của EU.

Những thách thức chính trị cũng đang ở phía trước. Bất chấp sự hỗ trợ của Ủy ban, bất kỳ quyết định nào cũng cần có sự ủng hộ nhất trí của các nhà lãnh đạo EU. Và không phải ai cũng muốn Ukraine gia nhập.

Hungary là một trong các quốc gia phản đối nỗ lực đưa Ukraine trở thành thành viên của khối. Các quan chức châu Âu cho biết có thể cần phải tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khác vào đầu năm tới nếu Thủ tướng Hungary Viktor Orban tiếp tục phản đối các cuộc đàm phán và hỗ trợ tài chính bổ sung cho Ukraine.

Một số người cũng nói rằng cơ hội để Kyiv thúc đẩy nhiều cải cách hơn có thể bị thu hẹp. Về cơ bản, nỗ lực phải được đẩy mạnh cùng lúc trên nhiều mặt để Ukraine có cơ hội thực sự trở thành thành viên thứ 28 của khối trong tương lai gần.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.