Ngay cả Bộ GTVT, đơn vị có mức giải ngân đầu tư công đạt khoảng 52% kế hoạch năm, cao hơn bình quân chung của cả nước là 42,3%, cũng không ngoại lệ.
Lãnh đạo bộ này thừa nhận để giải ngân hết số vốn còn lại khoảng 46.000 tỉ đồng trong 5 tháng cuối năm là thách thức rất lớn.
Nỗi lo của lãnh đạo ngành giao thông là có thể hiểu được, khi thống kê mới nhất có tới 12 dự án cao tốc Bắc - Nam đang chậm tiến độ vì nhiều lý do. Tương tự, từ đây đến cuối năm TP.HCM cũng phải tiêu 45.790 tỉ đồng, gần bằng kết quả của cả năm 2021 và 2022 cộng lại thì mới đạt mục tiêu giải ngân 95% trong năm nay. Dù rất khó khăn nhưng lãnh đạo TP khẳng định sẽ kiên trì, quyết liệt để đạt kế hoạch đề ra.
Có thể nói ở thời điểm nước rút này, tiêu tiền trở thành một thách thức lớn với hầu hết các địa phương, bộ ngành trong khi càng đi vào những tháng cuối cùng của năm, độ phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế càng trông cậy nhiều hơn vào giải ngân đầu tư công.
Bởi chính sách tiền tệ gần như đã "hết phép", hệ thống ngân hàng đang rơi vào tình trạng ế vốn, tăng trưởng tín dụng ì ạch không kích lên nổi; đơn hàng xuất khẩu vẫn chưa hồi phục, sức mua trên thị trường còn yếu. Nếu giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh, sẽ hóa giải được rất nhiều nút thắt hiện nay. Chủ tịch một tập đoàn bất động sản hàng đầu VN thừa nhận doanh nghiệp của ông rơi vào tình trạng kiệt quệ vì mất thanh khoản suốt từ cuối năm 2022, tưởng chừng không thể vượt qua nổi. Thế nhưng, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thông xe gần đây đã hồi sinh dự án nghỉ dưỡng lớn của tập đoàn này ở Phan Thiết. Cao điểm hè vừa rồi, mỗi ngày khu nghỉ dưỡng đón cả ngàn khách. Ngoài việc có doanh thu thì nhờ đó những khách hàng trước không chịu nhận nhà, ngưng thanh toán giữa chừng đã quay trở lại tiếp tục hợp đồng để đưa vào khai thác.
Dẫn một trường hợp để thấy mỗi dự án cầu đường được đưa vào khai thác không chỉ kích hoạt các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, giải quyết công ăn việc làm, tiết giảm chi phí vận chuyển mà còn thúc đẩy du lịch, bất động sản, thậm chí "cứu" không ít doanh nghiệp thoát khỏi nghịch lý chết trên đống tài sản, như trường hợp nói trên.
Thế nên, thách thức tiêu tiền rất lớn nhưng không phải không thể vượt qua. Tư lệnh ngành giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng tuyên bố thẳng tuyệt đối không để xảy ra tình trạng dừng thi công vì thiếu mặt bằng hay vật liệu thông thường. Ông Thắng cũng khẳng định sẽ xử lý nhà thầu chậm tiến độ.
Đây không phải là lời "dọa suông", nhìn vào tỷ lệ giải ngân của Bộ GTVT từ tháng 1 - 8.2023 bằng 2 năm trước đó cộng lại cho thấy nỗ lực và sự quyết liệt của ngành này lớn đến nhường nào. Kết quả đó cũng khiến chúng ta an tâm và kỳ vọng 12 dự án cao tốc Bắc - Nam hụt tiến độ nói trên sẽ kịp về đích đúng thời hạn. Riêng TP.HCM, bên cạnh quyết tâm từ lãnh đạo chính quyền còn có thêm động lực từ Nghị quyết 98 cho phép một số cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ các dự án...
Thông đại lộ, tới đại phú... phục hồi và tăng trưởng kinh tế đất nước đang trông đợi rất lớn vào nỗ lực tiêu tiền, giải ngân đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương.
Bình luận (0)