Thái Lan báo động vì rác phế liệu nhập khẩu

Minh Quang
Minh Quang
24/06/2018 06:30 GMT+7

Chính quyền Thái Lan đang nỗ lực ngăn chặn nguy cơ nước này bị biến thành một trong những bãi rác của thế giới sau một loạt vụ phát hiện gây chấn động.

Ông Chaiyut Khamkhun, người phát ngôn của Cục Hải quan Thái Lan, cho biết kể từ khi Trung Quốc bãi bỏ chính sách nhập khẩu phế phẩm công nghiệp và công nghệ từ năm 2017, rác phế liệu bắt đầu ào ạt đổ về Đông Nam Á. Trong đó, những nước như VN và Thái Lan có nguy cơ trở thành “thùng rác của thế giới”.
Mới đây, hải quan Thái Lan phối hợp cảnh sát bắt quả tang hơn 200 tấn phế phẩm nhựa và rác công nghệ như linh kiện máy tính, dây điện... giấu trong hơn 10 container tại một bến cảng thuộc tỉnh Chonburi, cách Bangkok hơn 100 km. Số rác này vừa được nhập vào Thái Lan, chuẩn bị đưa đến các nhà máy xử lý.
Lâu nay, Thái Lan có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tái chế phế phẩm để tăng nguồn thu cũng như có lợi cho môi trường. Tuy nhiên, quản lý lỏng lẻo và nhu cầu tăng vọt sau khi Trung Quốc ngừng nhập rác công nghệ dẫn đến tình trạng phế liệu ồ ạt đổ về. Các cơ sở xử lý chui với hệ thống phân loại không phù hợp của nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài mọc lên như nấm. Mới đây, qua kiểm tra, nhà chức trách Thái phát hiện 5/7 nhà máy tái chế do doanh nghiệp Trung Quốc thành lập hoạt động không phép.
Mặt khác, theo thống kê, năm ngoái, cả nước nhập khoảng 145.000 tấn phế phẩm nhựa để tái chế, nhưng chỉ 5 tháng đầu năm 2018, con số đó đã lên 212.000 tấn. Cùng kỳ, phế phẩm điện tử đạt xấp xỉ cả năm 2017, tức 64.000 tấn. “Rác từ khắp nơi, mọi ngóc ngách của thế giới như đang đổ dồn về Thái Lan”, Phó tổng trưởng Cảnh sát Hoàng gia Wirachai Songmetta thừa nhận trong cuộc kiểm tra những container rác ở Chonburi.
Trả lời Thanh Niên, bà Penchom Saetang, Giám đốc Tổ chức Bảo vệ môi trường EARTH Thailand, nói: “Biến phế thải thành năng lượng là một trong những biện pháp quản lý chất thải và tạo ra năng lượng cho xã hội, nhưng việc xử lý với công nghệ lạc hậu như đốt lại đang xả ra môi trường nhiều độc chất. Những cơ sở nhỏ, hoạt động chui gây ô nhiễm nặng nề và ảnh hưởng cuộc sống của người dân”.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Prayut Chan-ocha chỉ đạo thành lập một đội kiểm tra liên ngành liên tục truy quét các cơ sở bất hợp pháp. Giới hữu trách cho hay đã rút giấy phép của 5 nhà máy tái chế vi phạm cũng như hoàn tất thủ tục khởi tố 3 công ty bị cáo buộc vi phạm quy định về nhập khẩu phế phẩm. Những cá nhân của 3 công ty này sẽ đối diện mức án 10 năm tù giam nếu bị tuyên có tội. Bên cạnh đó, chính phủ yêu cầu các bộ ngành liên quan tiến hành nghiên cứu để hướng tới ban hành quyết định cấm nhập khẩu hoặc hạn chế phế phẩm điện tử.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.