Bangkok và Phnom Penh từ nhiều năm nay tranh giành nhau, khi cho rằng loại hình nghệ thuật dân gian Khon mà người Campuchia gọi là Lakhoan Khaol, là của dân tộc mình. Loại hình múa truyền thống mà ở đó vũ công hầu hết đeo mặt nạ tồn tại cả trăm năm ở cả Thái Lan và Campuchia, sự khác biệt giữa Khon của người Thái và Lakhoan Khaol không nhiều, khiến người xem dễ lẫn lộn.
Thái Lan đã phản đối quyết liệt khi Campuchia đệ trình hồ sơ lên Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) hồi tháng 3.2017. Thái Lan cũng nộp hồ sơ tương tự sau đó nhưng đã bị tổ chức này từ chối công nhận trong cuộc họp ngày 28.11.
Ngay sau khi UNESCO công bố công nhận Lakhoan Khaol của người Campuchia, Thủ tướng Hun Sen chúc mừng sự kiện này và gọi quyết định của UNESCO là “niềm tự hào lớn của quốc gia”. Theo ông Hun Sen, kết quả này là “nhờ nỗ lực của chính phủ, giới nghệ sĩ, xã hội và sự đóng góp của nhân dân”.
Trong khi đó, ở Thái Lan nhiều người chỉ trích giới chức đặc biệt là chính quyền quân sự đã không nỗ lực hết sức để “Khon” được công nhận là di sản phi vật thể của Thái Lan.
Năm 2016, Bộ trưởng Văn hóa Vira Rojpojchanarat nói rằng Thái Lan sẽ không phản đối đề xuất của Campuchia vì đây là loại hình nghệ thuật truyền thống xuất hiện ở nhiều quốc gia Đông Nam Á.
"Không có hạn chế khi chỉ có một quốc gia đăng ký nó. Nếu Campuchia muốn ‘Khon’ được công nhận là di sản thế giới của mình, thì Thái Lan cũng có thể làm điều đó, bởi vì đó là nghệ thuật truyền thống được chia sẻ", Bộ trưởng Văn hóa Thái Lan phát biểu.
Bình luận (0)