Thái Ngọc San, yêu thương còn mãi...

03/08/2015 09:41 GMT+7

Mười năm trước, vào một buổi chiều tháng bảy Huế mưa bay lất phất, nhà thơ, nhà báo Thái Ngọc San, đại diện báo Thanh Niên tại Huế đã đến thăm nhà một người bạn ở dưới chân cầu Đông Ba và từ đó đã không trở lại.

Mười năm trước, vào một buổi chiều tháng bảy Huế mưa bay lất phất, nhà thơ, nhà báo Thái Ngọc San, đại diện báo Thanh Niên tại Huế đã đến thăm nhà một người bạn ở dưới chân cầu Đông Ba và từ đó đã không trở lại.

Thái Ngọc San, yêu thương còn mãi...Trang bìa tập thơ Thái Ngọc San, Gửi… xinh tươi, ra mắt bạn đọc đúng dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của anh - Ảnh: B.N.L
Trong cuốn sổ nhật ký công việc năm 2005 của Văn phòng báo Thanh Niên tại Huế đã đánh dấu một ngày đau buồn nhất: ngày 25.7.2005 (tức 20.6 năm Giáp Tuất) anh San qua đời.
Sau một tai nạn giao thông và anh chống chọi với tử thần suốt 19 ngày trong phòng hồi sức cấp cứu Bệnh viện TƯ Huế. Chúng tôi, những người đồng nghiệp, những người đàn em làm việc ở báo Thanh Niên đã mất đi một người anh lớn, người thầy, một nhà báo có trái tim nồng ấm và ngòi bút cương trực, một tấm lòng nhân hậu mà chúng tôi luôn ngưỡng mộ, yêu quý.
Kỷ niệm 10 năm ngày mất của anh (25.7.2005-25.7.2015), để tri ân và tưởng nhớ anh, Văn phòng báo Thanh Niên tại Huế cùng nhóm bạn hữu và gia đình đã tuyển chọn in tập thơ Thái Ngọc San: Gửi... xinh tươi.
Tập thơ có nhiều bài anh đã in trên các báo, tạp chí văn học trước và sau năm 1975, nhưng cũng có nhiều bài thơ anh viết trong sổ tay được gia đình lưu giữ và chưa từng công bố... Tập thơ không dày nhưng đầy ắp yêu thương và kỷ niệm mà nhà thơ, nhà báo Thái Ngọc San đã để lại.
Nhà thơ Nguyễn Miên Thảo, trong bài viết nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của anh, trên tạp chí Sông Hương, số đặc biệt ra tháng 6.2015, đã đúc kết chân dung văn học của Thái Ngọc San là “thi sĩ của sự khước từ”. Với chúng tôi, những người sưu tập và tuyển chọn tập thơ này, thì hoàn toàn không như vậy. Thái Ngọc San có thể khước từ tất cả, nhưng có một thứ anh không bao giờ khước từ đó là yêu thương! Đó cũng chính là lý do mà chúng tôi đã dùng tên một bài thơ của anh để đặt tên cho tập thơ này: “Gửi... xinh tươi”.
Đã tròn mười năm ngày anh đi xa nhưng năm nào đến ngày giỗ, bạn bè cũng quây quần về Huế. Có những người bạn ở xa từ Hoa Kỳ, có người ở TP. HCM như nhà thơ Nguyễn Miên Thảo, Cao Huy Khanh… năm nào cũng về Huế giỗ bạn và mỗi lần như vậy kéo dài cả tháng.
Từ Quy Nhơn, nhà thơ Lê Văn Ngăn khi còn sống cũng không năm nào bỏ sót ngày giỗ bạn... Quây quần ở Huế, mỗi khi lên thăm mộ anh, nằm trên đồi thông vùng tây nam TP.Huế, chúng tôi lại nói vui với nhau rằng, ở Huế hiếm có ai có được ngày giỗ đông bạn bè như thế. Ngôi mộ có chiếc bàn đá bên cạnh đã trở thành bàn rượu sum họp ấm cúng của bạn bè. Nhiều lần lên mộ, chúng tôi vẫn thấy đã có những bông hoa của ai đó đã lặng lẽ đến trước. Người đã ra đi mười năm nhưng yêu thương vẫn luôn còn mãi.
Trong bài giới thiệu tập thơ, thay mặt nhóm tuyển chọn, nhà báo Nguyễn Công Khế, đã viết: “Gửi xinh tươi là gửi trái tim yêu nồng cháy cho những người yêu, những nàng thơ, những mối tình, những người bạn và cả những miền đất mà anh từng đi qua... đã để lại dấu ấn trong đời và trong thơ của anh. Xinh tươi ấy cũng chính là “con chim đồng nội”, là mẹ của cu Lỳ (Thái Ngọc Tây Nguyên, nhà báo, phóng viên Báo Thanh Niên), bé Nhím (Thái Ngọc Thảo Nguyên, nhà báo, họa sĩ trình bày của Tạp chí Sông Hương) hôm nay, là người em gái đồng hương mà anh gặp tình cờ khi qua phà Quán Hàu… Xinh tươi ấy cũng chính là những mối tình dù sâu đậm hay thoáng qua mà trái tim yêu thương nồng nàn của anh đã rung cảm, như anh từng viết: “Những mối tình dẫu đắng cay vẫn đẹp/ Nhưng những mối tình đã qua đi/Hãy đừng nhắc lại/Bởi cuộc sống luôn luôn bắt đầu/Và tình yêu bao giờ cũng là tình yêu thứ nhất” (Gửi... xinh tươi)
Hiếm có người đàn ông nào trên đời lại dám nói với người yêu và cũng là vợ của mình rằng: “Anh nói/Anh yêu em nhất đời/nhưng em chưa tin/và em cũng hãy đừng tin/hãy đừng tin anh/bởi vì anh có nhiều tội đáng chết/dẫu chết anh cũng vẫn yêu em nhất đời/D. ơi!” (Yêu em nhất đời)
Chị Phan Lệ Dung, khi đọc lại bài thơ ngắn này đã cười: “Tội đáng chết ấy là tội do yêu nhiều đó”.
Và bây giờ, khi anh đã ra đi tròn 10 năm, đọc lại những vần thơ của anh, chị lại càng trân quý hơn những kỷ niệm và những vần thơ mà anh đã viết, bởi anh là chàng thơ đa tình đã dám nói lên sự thật đó. Trong tập thơ, có những bài anh đã làm hoàn chỉnh nhưng cũng có những bài thơ anh chỉ mới phác thảo một vài câu, nhưng tình yêu trong những bài thơ ấy luôn nồng nàn, chân thật.
Tập thơ vẫn chưa thể tập hợp hết những bài thơ tình mà Thái Ngọc San đã yêu và đã viết, vì nhiều bài thơ đã trở thành “kỷ vật thiêng liêng” của những “người tình” và cũng như tất cả chúng ta, những người bạn, anh em, người thân trong gia đình chưa bao giờ nguôi nhớ về anh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.