Thái Nguyên chi hàng chục tỉ đồng hỗ trợ sản xuất chè hữu cơ, VietGap

25/02/2022 20:58 GMT+7

UBND tỉnh Thái Nguyên quyết định chi hàng chục tỉ đồng qua nhiều chương trình hỗ trợ khác nhau để thúc đẩy nông dân phát triển diện tích chè đạt tiêu chuẩn VietGap, chuyển đổi sang trồng chè hữu cơ .

Theo thông tin từ UBND tỉnh Thái Nguyên, địa phương này đã có quyết định chi 12,2 tỉ đồng hỗ trợ cho người nông dân trồng chè.

Cụ thể, đối với những hộ trồng chè lần đầu tiên đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGap sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí cấp giấy chứng nhận, với số tiền không quá 6 triệu đồng/ha, tổng diện tích hỗ trợ là 700 ha.

Thái Nguyên đang hỗ trợ mạnh mẽ cho người dân chuyển đổi trồng chè theo tiêu chuẩn VietGap, chè hữu cơ

cổng thông tin điện tử thái nguyên

Đối với hộ được cấp lại tiêu chuẩn VietGap được hỗ trợ 505 kinh phí với số tiền không quá 2 triệu đồng/ha, diện tích hỗ trợ khoảng 138 ha.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các hộ trồng chè chuyển đổi sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam năm thứ 3 đối với 60 ha chè hữu cơ tại các huyện: Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ và TP. Thái Nguyên.

Thái Nguyên cũng khuyến khích nông dân trồng chè áp dụng cơ giới hóa trong chế biến chè và sẽ hỗ trợ mua 18 máy sao chè bằng gas, không quá 62 triệu đồng/máy; hỗ trợ 40% kinh phí đầu tư công nghệ tưới tiết kiệm cho cây chè không quá 20 triệu đồng/ha đối với hộ có quy mô tối thiểu 2 ha. Tổng diện tích trồng chè được hưởng chính sách này là 200 ha.

Cũng theo thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên, trong năm 2022, toàn tỉnh này sẽ trồng mới, trồng lại khoảng 400 ha chè, đặt mục tiêu đạt sản lượng chè búp tươi khoảng 256.000 tấn, tăng 6.000 tấn so với kế hoạch năm 2021.

Trong chiến lực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giai đoạn năm 2021 - 2025, tỉnh Thái Nguyên đã xác định chè là 1 trong 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực và đây là cây có thế mạnh đặc biệt của địa phương này.

Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt tổng diện 23.500 ha chè, sản lượng búp tươi trung bình đạt 273.000 tấn/năm, giá trị sản xuất đạt 350 triệu đồng/ha.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.