Ngày 3.6, TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện (BV) Phụ sản Hùng Vương (TP.HCM), cho biết BV đã triển khai khai báo y tế, phân luồng, sàng lọc ngay từ lối vào nhằm đảm bảo an toàn cho thai phụ, sản phụ và các bé sơ sinh.
TS-BS Diễm Tuyết dẫn chứng, tại BV Phụ sản Hùng Vương, khi phát hiện nhóm nguy cơ cao, BV tách ra một luồng riêng. Đặc biệt, không cho thăm bệnh; 1 người bệnh 1 người nuôi. Hiện BV đang chuẩn bị thực hiện xét nghiệm tất cả bệnh nhân (BN) nội trú và người nuôi bệnh. BV Từ Dũ cũng cho biết thực hiện kiểm soát chặt chẽ người ra vào BV.
Việc BV Phụ sản Mê Kông phải ngưng nhận bệnh do có ca nghi nhiễmCovid-19 từng đến BV này, không khỏi khiến một số thai phụ lo lắng khi đi khám thai, sinh nở ở BV. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ một số thai phụ sinh con tại nhà, cũng như thai phụ có nguy cơ Covid-19 không dám đến BV mà tìm cách sinh tại nhà.
“Bắt con” thành công cho sản phụ nhiễm Covid-19Còn nhớ vào đợt dịch thứ 2 (năm 2020), TP.Đà Nẵng là tâm dịch Covid-19 thì BV dã chiến Hòa Vang (H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) cũng đã lên phương án phối hợp với ê kíp thuộc BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng phẫu thuật mổ đẻ “bắt con” thành công cho sản phụ là BN Covid-19 thứ 569 (35 tuổi), đảm bảo công tác phòng dịch.
|
Về vấn đề này, TS-BS Diễm Tuyết khuyến cáo “việc sinh nở phải đến cơ sở y tế để đảm bảo an toàn cho mẹ và con, dù có dịch”. Đặc biệt, thai phụ nên đến cơ sở y tế được trang bị đảm bảo an toàn phòng chống Covid-19 để sinh con. “Thai phụ đừng quá lo lắng! Tại BV có khu cách ly riêng, có giường và trang bị máy móc, phòng sinh, phòng mổ đầy đủ để thai phụ sinh tại đây. BV Hùng Vương trang bị 7 giường và đang mở rộng lên khoảng 30 giường để sẵn sàng đón tiếp thai phụ (nếu có nguy cơ mắc Covid-19 - PV)”, TS-BS Diễm Tuyết nói.
Nhưng TS-BS Diễm Tuyết cũng khuyến cáo, thai phụ đến BV cần khai báo trung thực, vì đó vừa thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, vừa hỗ trợ cho BV. Ngoài ra, BV Hùng Vương cũng đã có các phương án và diễn tập các phương án phòng chống Covid-19 trong tình huống xảy ra điều không mong muốn, BV vẫn đảm bảo duy trì khám, chữa bệnh (KCB).
Chủ động kế hoạch chăm sóc sản phụ
Tương tự, bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết trong yêu cầu phòng chống dịch, các cơ sở y tế đều có phương án phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19 dành cho các sản phụ trước, trong và sau sinh. Đặc biệt, mỗi đơn vị y tế đều phân luồng, có vùng đệm an toàn, kế hoạch xét nghiệm Covid-19, đảm bảo an toàn trước nguy cơ dịch bệnh cho các sản phụ. Đối với các sản phụ mắc Covid-19, quá trình điều trị có các phác đồ theo dõi đặc biệt và phù hợp để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Đặc biệt, đến thời điểm cận sinh của sản phụ mắc Covid-19, đều có sự phối hợp với các ê kíp của BV chuyên sản khoa phối hợp xử lý (tại Đà Nẵng là ê kíp của BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng).
Trước đó, tại TP.Đà Nẵng đã có lệnh phong tỏa nhiều khu dân cư, nhà chung cư là nơi các BN sinh sống và từng ghé đến nhằm ngăn chặn lây lan dịch Covid-19. Tại chung cư 12T3 (nơi ở của nữ nhân viên làm việc tại bar New Phương Đông, Q.Hải Châu, dương tính với Covid-19), lực lượng y tế Q.Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) đã đến thăm khám tại chỗ cho một phụ nữ mang thai tháng thứ 8. Sau đó, ngày 18.5, lực lượng y tế Q.Sơn Trà đã đưa thai phụ Đ.N.T.L (20 tuổi) có dấu hiệu chuyển dạ đi cấp cứu. Thai phụ được chuyển đến BV Q.Sơn Trà sinh con an toàn.
Ông Phạm Hồng Nam, Giám đốc Trung tâm y tế Q.Sơn Trà, cho biết: “Trong trường hợp các sản phụ là F1 có dấu hiệu chuyển dạ thì lực lượng y tế sẽ thực hiện tiếp cận với biện pháp phòng chống dịch Covid-19 an toàn. Sau đó sẽ chuyển đến trung tâm y tế đầy đủ điều kiện cấp cứu. Đặc biệt, nếu có trường hợp sinh khó, BV tuyến quận sẽ liên hệ Sở Y tế để được chuyển đến BV tuyến trên cấp cứu theo quy trình cách ly đặc biệt.
|
Dự phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 cho sản phụ và trẻ sơ sinh
Theo Bộ Y tế, để dự phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19, các cơ sở KCB có cung cấp dịch vụ sản khoa và chăm sóc trẻ sơ sinh chuẩn bị nhân lực, cơ sở hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư y tế để thực hiện nguyên tắc phòng ngừa và các biện pháp kiểm soát lây truyền trong cơ sở KCB theo quy định hiện hành của Bộ Y tế. Cần đảm bảo đủ các phương tiện phục vụ phòng ngừa, đặc biệt trang phục phòng hộ cá nhân, dung dịch vệ sinh tay và khẩu trang y tế. Thực hiện phân luồng, tổ chức sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát người bệnh nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 ngay tại nơi đón tiếp. Bố trí khu vực riêng để tiếp đón, sàng lọc và phân luồng các phụ nữ mang thai đến khám. Khi có dấu hiệu nghi ngờ chuyển vào khu khám cách ly, phối hợp với các cơ sở y tế dự phòng để lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán. Bố trí phòng sinh riêng cho phụ nữ mang thai nghi nhiễm và nhiễm. Cần bố trí nhân lực để chăm sóc riêng người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19. Trong quá trình chăm sóc người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19, các nhân viên y tế này không chăm sóc những người bệnh khác.
Với phụ nữ mang thai, bà mẹ sau sinh đến khám, BV cần tổ chức hướng dẫn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m; che mũi miệng khi ho, hắt hơi và rửa tay ngay sau khi tiếp xúc dịch hô hấp.
Cơ sở KCB cần hạn chế người bệnh, sản phụ di chuyển trong cơ sở y tế. Người nhà đi kèm với người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 cần phải được xem như là có phơi nhiễm với Covid-19 và cũng phải được tầm soát cho đến hết thời gian theo dõi theo quy định để giúp chẩn đoán sớm và phòng ngừa Covid-19...
Bình luận (0)