Thế nhưng thực tế vẫn có chuyện trốn nghĩa vụ quân sự. Như Báo Thanh Niên đã đưa tin, ngày 3.1, UBND H.Hoài Ân (tỉnh Bình Định) có quyết định xử phạt hành chính tổng cộng 150 triệu đồng đối với 5 thanh niên. Lý do là họ không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Trước đó, cũng có những việc tương tự ở một số tỉnh, thành.
Người viết từng chứng kiến câu chuyện, sau khi con nhận giấy báo khám nghĩa vụ quân sự, phụ huynh đã suy nghĩ cách để trì hoãn việc này. Phụ huynh lo ngại con sẽ khổ cực, vất vả trong thời gian phục vụ quân sự.
Mới đây, phụ huynh này khoe đã bất ngờ khi thấy con trưởng thành sau gần một năm tham gia nghĩa vụ quân sự. Sức khỏe, lối sống, sự tự giác, kỹ năng, kỷ luật… đều tốt và chỉn chu hơn. Mà rất có thể, những điều đó sẽ chẳng thể có nếu con không lên đường tòng quân. Người này cũng nhận ra việc từng muốn "chạy" cho con trốn nghĩa vụ quân sự là sai lầm.
Đề xuất 100% thanh niên được thực hiện nghĩa vụ quân sự
Một số quân nhân đang trong quân ngũ cũng cho biết nhờ tham gia nghĩa vụ quân sự, bản thân hiểu hơn về tình đồng chí, đồng đội, giúp tôi luyện nhiều điều, hoàn thiện nhân cách, phát triển toàn diện. Những người này cũng đã từng sợ không chịu nổi khi sống trong môi trường quân ngũ. Nhưng khi đã là người trong cuộc, họ tự hào vì được đóng góp một phần sức lực và trách nhiệm của bản thân trong việc tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân.
Kể những chuyện đó để thấy tham gia nghĩa vụ quân sự không có gì phải đáng lo như những phong thanh hoặc tự bản thân mường tượng. Đấy là chưa kể, khi phục vụ tại ngũ, công dân sẽ được hưởng không ít quyền lợi. Chẳng hạn các chế độ bảo hiểm, nghỉ phép hàng năm, phụ cấp thêm khi kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ. Hay thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ cũng được hưởng nhiều chế độ ưu tiên. Và sau thời gian đi nghĩa vụ quân sự sẽ nhận được những khoản trợ cấp…
Nói thế không có nghĩa là nên đặt vấn đề "đi nghĩa vụ quân sự sẽ được gì?". Mà người trẻ trong độ tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự cần phải hiểu, lên đường tòng quân bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao cả của công dân. Sẵn sàng tham gia nghĩa vụ quân sự là lòng biết ơn sâu sắc với dân tộc, đất nước.
Đáng mừng là ngược với một bộ phận trốn nghĩa vụ quân sự, đã có những người trẻ, nhiều cô gái, tạm gác công việc ổn định, lương cao, bằng kỹ sư, dược sĩ… để viết đơn tình nguyện nhập ngũ với mong muốn được rèn luyện trong môi trường quân ngũ, cống hiến sức trẻ, trí tuệ xây dựng quê hương.
Thời gian qua, đã có những sáng kiến giúp phụ huynh, thanh niên an tâm tư tưởng để thực hiện nghĩa vụ quân sự một cách tốt nhất. Cụ thể, hằng năm vào thời điểm thanh niên sắp lên đường nhập ngũ, Trung đoàn Gia Định (Bộ Tư lệnh TP.HCM) đã phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự TP.Thủ Đức, các quận, huyện ở TP.HCM để mời gọi các gia đình, thanh niên chuẩn bị nhập ngũ đến tham quan trung đoàn.
Và cách làm này đã để lại hiệu quả thiết thực khi phụ huynh và thanh niên hiểu hơn về môi trường quân ngũ, cách sinh hoạt, học tập, huấn luyện, thời gian thực hiện chế độ trong ngày, lề lối tác phong, xưng hô chào hỏi…
Mọi công dân tuyệt đối phải nói không với suy nghĩ, hành động với mục đích trốn tránh, chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 đã quy định rõ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thay vào đó cần có thái độ, sự hiểu biết đúng đắn về nghĩa vụ quân sự.
Bình luận (0)