Nếu bị cận thì có được đi nghĩa vụ quân sự hay không?
Sau khi đọc những bài viết: Đi nghĩa vụ quân sự có được xài điện thoại, sử dụng mạng xã hội?, Đi nghĩa vụ quân sự: Người yêu có được đến thăm, xuất ngũ có được nhận tiền? mà Thanh Niên đăng tải, ông Lê Tấn Danh (48 tuổi), nhà ở xã An Ngãi Trung, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre đã thắc mắc: "Liệu người bị cận thị có được đi nghĩa vụ quân sự?".
Ông Danh nói thêm: "Con trai tôi bị cận thị 1,5 độ thì có được đi nghĩa vụ quân sự hay không?".
Không riêng ông Danh, nhiều phụ huynh khác và đặc biệt là những người trẻ đang ở độ tuổi đi nghĩa vụ quân sự cũng muốn biết câu trả lời chính xác về vấn đề này.
"Mình bị cận 1,75 độ ở mắt phải và 1,25 độ ở mắt trái. Sang năm có thể được gọi đi nghĩa vụ quân sự. Nhưng không biết bị cận như vậy thì liệu có được nhập ngũ hay không?", Nguyễn Quang Phú (22 tuổi), nhà ở xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, hỏi.
Trả lời câu hỏi này, thiếu tá Vương Thanh Phong, Trợ lý chính trị, công tác tại Trung đoàn 896, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cà Mau, cho biết: "Theo điểm a, khoản 3, Điều 4 Thông tư 148/2018 của Bộ Quốc phòng quy định công dân cận thị từ 1,5 độ trở lên và loạn thị thì được miễn nghĩa vụ quân sự. Dưới 1,5 độ thì nhập ngũ bình thường. Và khi đã đủ điều kiện nhập ngũ thì học bắn súng bình thường".
Đối với những trường hợp công dân tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ, tuy nhiên bị cận thị thì có được tham gia nghĩa vụ quân sự?
Thiếu tá Phong giải đáp thắc mắc: "Dựa vào quy định của Thông tư 148/2018 của Bộ Quốc phòng, công dân dù có viết đơn tình nguyện nhập ngũ thì cũng phải đảm bảo yêu cầu là không cận hoặc bị cận dưới 1,5 độ mới được đi nghĩa vụ quân sự. Dù là tình nguyện hay tới tuổi đi nghĩa vụ quân sự thì cũng áp dụng quy định này".
Phóng viên đặt câu hỏi: "Nếu trong quá trình nhập ngũ, quân nhân bị cận thị, thì làm thế nào? Và nếu chữa trị có được đơn vị hỗ trợ thanh toán hay không?".
Thiếu tá Phong trả lời: "Nếu bị cận, có nhu cầu sẽ được đưa đi điều trị, tùy theo mức độ cận mà thanh toán theo bảo hiểm. Quân nhân nhập ngũ có bảo hiểm cho bản thân. Đơn vị không hỗ trợ mà đó là kinh phí của bảo hiểm y tế thanh toán".
Xăm mình có được đi nghĩa vụ quân sự hay không?
L.T.P. (23 tuổi), nhà ở đường số 12, Q.Bình Tân, TP.HCM, cho biết đã từng xăm một hình hoa hồng phía dưới tay trái. P. lo ngại điều này sẽ khiến P. mất cơ hội đi nghĩa vụ quân sự.
Đây cũng là lo lắng của Đ.D.K. (22 tuổi), nhà ở xã Bình Tân Phú, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. K. có một hình xăm chữ "K" phía sau lưng. K. cũng băn khoăn liệu với hình xăm như thế có được đi nghĩa vụ quân sự?
Chia sẻ về điều này, thiếu tá Phong cho biết: "Xăm mình vẫn có thể tham gia nghĩa vụ quân sự, trừ các hình xăm chống phá Đảng, Nhà nước, phản cảm để lộ ra ngoài".
Một trong những điều thắc mắc của người trẻ về vấn đề nghĩa vụ quân sự, đó là liệu trong quá trình nhập ngũ có được hút thuốc lá? Có cấm hút thuốc lá trong môi trường quân đội hay không?
Thiếu tá Phong cho biết: "Hút thuốc lá không cấm. Tuy nhiên một số đơn vị vận động bỏ thuốc đi đến phấn đấu đơn vị không có thuốc lá hoàn toàn".
Cũng có những câu hỏi như: Nếu đi nghĩa vụ quân sự, muốn theo quân ngũ, muốn phát triển sự nghiệp trong môi trường quân đội thì phải làm thế nào?
Thiếu tá Phong nói: "Nếu muốn phát triển trong môi trường quân đội thì phải đăng ký thi vào các trường trong quân đội. Khi trúng tuyển sẽ phát triển lâu dài. Ngoài ra, còn một dạng nữa là theo nhu cầu của đơn vị sẽ có đối tượng chuyển chuyên nghiệp quân sự. Sau đó đơn vị cho đi đào tạo các lớp ngắn hạn về đơn vị cũ tiếp tục công tác như: lái xe, văn thư bảo mật, nhân viên xăng dầu, nhân viên tài chính...".
Thiếu nữ Quảng Ninh bị tung tin thất thiệt trong lễ giao nhận quân
Bình luận (0)