Thầm lặng 'lính hậu cần'

Mạnh Cường
Mạnh Cường
21/08/2020 11:39 GMT+7

Những người trong 'khu đỏ' trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân dương tính, thuộc tuyến đầu chống dịch Covid -19. Nhưng đâu đó, đằng sau họ vẫn có một lực lượng hậu cần, tiếp tế, viện trợ với bao nỗi nhọc nhằn nhưng thầm lặng.

“Chúng tôi ở đây để cùng nhau chiến đấu”

“Tầng 5 cần bổ sung thêm bổ sung giấy và khăn lau. Khu cấp cứu cần thêm quạt. Tầng 7 cần nhận nhu yếu phẩm...”. Mỗi ngày, có hàng trăm yêu cầu như thế được nhắn ra từ bên trong khu cách ly. Và nhiệm vụ của đội ngũ hậu cần ở Bệnh viện (BV) đa khoa T.Ư Quảng Nam (đóng ở H.Núi Thành) là cung cấp đầy đủ, chính xác. Guồng máy vận hành trong im lặng, không có sự từ chối nào vì lý do không kịp thời, hoặc quá khó...
Không có lực lượng thay thế, nên chúng tôi cũng... chưa biết đến thời hạn nào được nghỉ ngơi. Những lúc như vậy, chỉ biết động viên nhau phải cố gắng, mong được bình an! Chúng tôi ở đây để cùng nhau chiến đấu

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải Âu, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn - BV đa khoa T.Ư Quảng Nam

Đã gần nửa tháng kể từ ngày BV đa khoa T.Ư Quảng Nam được giao nhiệm vụ tiếp nhận điều trị bệnh nhân dương tính với Covid-19 từ Ban chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19. Và chỉ ít ngày sau, BV chính thức được trưng dụng hoàn toàn để điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải Âu, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, cho hay khi BV đa khoa T.Ư Quảng Nam được giao trách nhiệm thu dung điều trị cho các trường hợp Covid-19 trên địa bàn Quảng Nam và các tỉnh lân cận, vấn đề được quan tâm đặc biệt là khâu kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm trong BV.
Kiểm soát khuẩn, tiêu độc khử trùng tại bệnh viện ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Kiểm soát khuẩn, tiêu độc khử trùng tại bệnh viện

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Điều này cũng gia tăng áp lực phải làm sao đó thật nhanh chóng bố trí, phân chia từng khu vực có mức độ nguy cơ khác nhau, cách bố trí trong từng khoa điều trị… Rồi lối đi cho nhân viên y tế các vùng, đường đi của rác thải… phải được tính toán kỹ càng nhất để giảm thiểu lây nhiễm chéo. “Làm việc trong môi trường có nguy cơ phơi nhiễm cao nên chúng tôi cách ly tại bệnh viện 100%. Không có lực lượng thay thế, nên chúng tôi cũng… chưa biết đến thời hạn nào được nghỉ ngơi. Những lúc như vậy, chỉ biết động viên nhau phải cố gắng, mong được bình an! Chúng tôi ở đây để cùng nhau chiến đấu”, bác sĩ Âu nói.

Tình hình Covid-19 tại Việt Nam sáng 21.8: Không có ca mắc mới, hơn 100 bệnh nhân đã âm tính

Gác chuyện gia đình…

Những người lính hậu cần tham gia cuộc chiến thầm lặng này bao gồm các thành viên của nhiều khoa, phòng như vật tư y tế, kiểm soát nhiễm khuẩn, dược, hành chính quản trị, công tác xã hội, dinh dưỡng... Những ngày này, chuyện bữa sáng chuyển sang bữa trưa, bữa trưa chuyển sang bữa xế đã thành lệ vì họ làm việc luôn tay.
“Khi ngày mới bắt đầu, ai cũng xác định hết mình với công việc. Chúng tôi ở vòng ngoài cũng nếm trải cảm giác căng thẳng, lo lắng, hồi hộp chẳng khác gì các đồng nghiệp ở vòng trong. Dù mệt đến đâu, nhưng khi nghe những câu như “Đã có”, “Đã chuẩn bị xong”, “Đã sẵn sàng”… tự dưng thấy lòng an tâm và ấm áp đến lạ”, chị Đặng Thị Hoàng Khuê, Trưởng khoa Dinh dưỡng, tâm sự.
Bác sĩ Đinh Đạo, Giám đốc BV đa khoa T.Ư Quảng Nam, cho biết 330 nhân viên BV tham gia chống dịch, trong đó 200 người trực tiếp chăm sóc và điều trị bệnh nhân Covid-19, khoảng 130 người còn lại làm công tác hậu cần. Tuy nhiên, lại có đến 240 cán bộ, nhân viên, y bác sĩ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhiều ngày qua, cùng với đồng nghiệp, họ gác lại chuyện gia đình, tình nguyện làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19.
Dường như những người “lính hậu cần” nghề y không có ngày nghỉ, kể cả ngày thứ bảy lẫn chủ nhật. Họ hiểu, lúc này phải động viên nhau cố gắng thật nhiều, không than thở hay một lời trách móc… Hoàn cảnh lúc này không cho phép họ yếu đuối, mệt mỏi. Trong thâm tâm, họ chỉ mong bên trong “khu đỏ”, nơi trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, được bình an.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (ảnh, bên phải), vừa đến thăm, tặng quà động viên các gia đình nhân viên, điều dưỡng có hoàn cảnh khó khăn đang tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 tại BV đa khoa T.Ư Quảng Nam.

ẢNH: MẠNG CƯỜNG

Ông Thanh ghi nhận những đóng góp của cán bộ, điều dưỡng BV trong việc tiên phong đi đầu thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ông Lê Trí Thanh cũng chia sẻ những khó khăn hiện tại trong cuộc sống của các nhân viên y tế, động viên họ tiếp tục vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo địa phương, BV đa khoa T.Ư Quảng Nam tiếp tục quan tâm, tìm hiểu giải quyết một số nguyện vọng cá nhân của mỗi gia đình nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, nhân viên y tế yên tâm công tác, góp phần tích cực trong công tác đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.