Xã Điền Xá, H.Nam Trực, Nam Định gồm 7 thôn và 33 xóm là nơi có nghề cây cảnh từ cách đây gần 10 thế kỷ. Ông tổ nghề cây cảnh của làng là Tô Trung Tự, một vị quan nhà Lý.
Năm 1211 ông đến thôn Vị Khê, thuộc xã Điền Xá ngày nay, thấy đất đai màu mỡ nên đã dạy dân làng cách trồng hoa, cây cảnh. Đến những năm 1970 - 1980, các loại hoa, cây cảnh đã trở thành thế mạnh của Điền Xá và thực sự trở thành “đặc sản” từ những năm 1990 khi đất nước hoàn toàn đổi mới.
Đến thăm khu vườn rộng một mẫu của ông Đỗ Quốc Hùng, 61 tuổi, ở thôn Vị Khê, chúng tôi như lạc vào một dinh thự với những hàng cây xanh, la hán, tùng... đủ mọi dáng vẻ. Giải ngũ năm 1975, ông Hùng nối nghiệp 3 đời làm nghề cây cảnh của gia đình và dần nổi tiếng với việc được thực hiện nhiều công trình quan trọng, đỉnh cao là thực hiện dự án cây cảnh cho Trung tâm Hội nghị quốc gia năm 2007.
Chỉ tay vào cây xanh trước nhà, ông Hùng cho biết, đây là cây có thế phụ tử, có tuổi đời hơn trăm năm, có người từng hỏi mua với giá 30 tỉ nhưng ông chưa bán. Ông Hùng tiết lộ, gia đình thu nhập khoảng 2 tỉ đồng mỗi năm, toàn bộ khu vườn cây có giá gần 100 tỉ.
|
Trong vườn của ông Hùng là những cây xanh nhiều dáng vẻ, nào dáng long giáng (rồng xuống), long thăng (rồng lên), dáng trực, dáng hoành trực, dáng thác đổ… và một số cây nhìn chỉ nhỏ bằng bàn tay là bon sai, một loại cây cảnh mà Điền Xá đang hướng đến trong tương lai.
Trong vườn của ông Hùng đã có một số cây bon sai tuổi đời 40-50 năm, có giá 40-50 triệu. Theo ông Hùng, một cây xanh được đánh giá là cây cổ khi có tuổi 50 năm trở lên, giá trị nghệ thuật của cây thì dựa vào vóc dáng, thần thái của, chẳng hạn, cây buông nhiều rễ thể hiện gia đình đoàn tụ, sum vầy, con cháu đề huề, cây đứng thẳng thể hiện sự chính trực, mạnh mẽ. Người chơi cây cảnh đơn giản là người yêu, say mê và biết cảm nhận vẻ đẹp mà cây “tỏa” ra, và có cả thời gian, tiền bạc nữa, có thế thì làng nghề này mới tồn tại được…
Không chỉ ông Hùng, nhiều người ở Vị Khê nay cũng nổi như cồn nhờ cây cảnh. Trong số này, có nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân.
Sinh ra trong một gia đình có 15 đời theo nghề cây cảnh, sau khi tốt nghiệp trung cấp nhạc họa, anh về quê lập nghiệp và biến khu vườn 800 m2 thành một trung tâm cây cảnh lớn. Tác phẩm cây xanh “Khuê Văn Các” của nghệ nhân trẻ này khi tham gia triển lãm trong Đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội đã được Hiệp hội làng nghề Việt Nam trao bằng chứng nhận: “Sản phẩm tinh hoa làng nghề Việt Nam” cùng nhiều bằng khen, giấy khen.
Không ngoa khi nói rằng đây là làng tỉ phú cây xanh. Những căn nhà cao tầng, biệt thự đang mọc lên ngày càng nhiều trong làng. Theo thống kê của H.Nam Trực, thu nhập của xã Điền Xá năm 2010 xấp xỉ 46 tỉ đồng, năm 2011 tăng lên 55 tỉ. Thu nhập bình quân toàn xã là 20 triệu đồng/người/năm, riêng làng nghề Vị Khê là 36 triệu/người/năm.
Ông Đoàn Hữu Khánh, Phó chủ tịch xã Điền Xá chia sẻ: “Không chỉ những người có tuổi, lớp trẻ Điền Xá cũng đang làm rạng danh nghề truyền thống của quê hương. Có những thanh niên sau khi tốt nghiệp đại học vẫn trở về lập nghiệp và làm giàu trên chính mảnh đất quê mình”.
Điền Xá ngày nào cũng tấp nập người đến tham quan, mua bán cây cảnh, làm giàu thêm cho ngôi làng tỉ phú. Đến đây dịp giữa tháng giêng âm lịch hàng năm, khách còn được chứng kiến một lễ hội sinh vật cảnh với những cây cảnh tiền tỉ từ nhiều nơi đưa về trưng bày. Đây cũng chính là dịp giỗ ông tổ làng nghề cây cảnh Vị Khê, nơi khơi nguồn cho một thú chơi tao nhã.
Thùy Vân
>> Cảm biến theo dõi cây cảnh
>> Cây cảnh giả hoành hành dịp cuối năm
>> Đào trộm cây rừng làm cây cảnh
>> Triển lãm cây cảnh nghệ thuật lần 2
>> Để cây rừng không trở thành cây cảnh
>> Đinh lăng: cây cảnh, cây thuốc
Bình luận (0)