Thầm lặng trên những nẻo rừng

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
21/06/2023 08:09 GMT+7

Từ những thiên phóng sự đường rừng đăng trên Báo Thanh Niên, câu hỏi mà tôi nhận được nhiều nhất là: Một mình vào các bản làng biên giới hay đi cùng đồng nghiệp?

Tôi may mắn khi được sinh ra, làm việc và gắn bó với mảnh đất Trung Trung bộ, ở các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị nên có chút hiểu về đời sống, văn hóa của đồng bào vùng cao. Dù các thế hệ đàn anh đã nhiều lần "cày bừa" trên mảnh đất này nhưng tập tục của người dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn hay dưới chân núi Ngọc Linh vẫn chất chứa nhiều điều bí ẩn, lý thú. Sức hút từ dạng đề tài này luôn thôi thúc tôi tìm kiếm những nhân vật, câu chuyện để kể cho độc giả.

Thầm lặng trên những nẻo rừng - Ảnh 1.

Nhà báo Hoàng Sơn (phải) trong chuyến công tác tại H.Tây Giang(Quảng Nam) vào đầu năm 2022

S.X


Để có những bài viết độc đáo và không "đụng hàng", tôi chọn cách "đi một mình". Dù lòng đầy tự tin vì có một ít kỹ năng, nhưng lắm lúc bụng cũng lo bất trắc.

Những câu chuyện kể mà đến nay thậm chí người dân bản địa cũng chỉ ngấm ngầm hiểu với nhau chứ không dám nói ra, thì với một người Kinh xa lạ như tôi, họ càng không kể. Thế mà việc một mình thầm lặng ở các bản làng, rong ruổi trên những nẻo rừng đã mang lại cho tôi nhiều may mắn để có những phóng sự "độc".

Còn nhớ đầu năm 2022, để có được loạt phóng sự Ðại ngàn ly kỳ truyện, tôi thực hiện chuyến đi từ 2 huyện miền cao Nam Trà My và Tây Giang (Quảng Nam) ra đến A Lưới (Thừa Thiên-Huế), kéo dài 10 ngày. Ở Nam Trà My, khi viết phóng sự Kỳ lạ khu rừng "treo nhau, cất rốn", từ lời chỉ dẫn của cư dân địa phương, tôi một mình lái "ngựa sắt" đi qua các xã Trà Nam, Trà Mai… Thế mà, lúc đã đến ngay chỗ cần tìm là "rừng rốn" ở xã Trà Linh, dò hỏi chuyện, nhiều người dân vẫn không biết. Quá trưa, thất thểu dọc đường nhai ổ bánh mì, tôi may mắn gặp được người phụ nữ chỉ hướng cho tôi đến gặp một già làng. Từ câu chuyện của già làng, những điều bí mật, thiêng liêng, kiêng kỵ về "rừng rốn" dần được hé lộ. Đúng là mừng hơn bắt được vàng!

Thầm lặng trên những nẻo rừng - Ảnh 3.

Già làng A Lăng Lơ kể cho người phiên dịch và người viết nghe những câu chuyện về nạn “trả đầu người” trước khi mất vào tháng 5.2022

Hoàng Sơn

Khi sang H.Tây Giang để viết phóng sự Kinh hoàng ký ức "trả đầu người", tôi vẫn độc hành. Nhưng may mắn là có một người bản địa giúp chỉ dẫn đường đi nước bước và giúp phiên dịch tiếng Cơ Tu sang tiếng Kinh. Những vị già làng đã lần lượt về với Yàng (trời) nên câu chuyện về sự trả thù vì hiềm khích giữa các làng không còn ai nắm biết. Duy chỉ già A Lăng Lơ (trú thôn Tà Làng, xã Bha Lêê) còn đủ minh mẫn để kể. Hôm phóng sự chưa đăng thì già đã qua đời ở tuổi 83. Người bạn đồng hành của tôi bảo ngoài anh ấy ra thì tôi là người có thể hiểu kỹ nhất câu chuyện về nạn "trả đầu người" từ 100 năm trước. Sự độc hành nhiều khi cho phép tôi sở hữu những thông tin giá trị đến cuối cùng.

Thầm lặng trên những nẻo rừng - Ảnh 4.

Độc hành trong những chuyến tác nghiệp ở núi rừng giúp người viết có nhiều phóng sự “độc”

S.X

Còn ở H.A Lưới, khi một mình đến gặp anh L.T.T để nghe chuyện về Lạ lùng "thuốc thổi" ở Trường SơnÁm ảnh ''thuốc thư", tôi cũng thấy mình may mắn vì không chỉ gặp đúng người cần gặp mà còn nắm được những thông tin cực kỳ quý giá về đời sống đồng bào Tà Ôi, Pa Kô. Những câu chuyện kể mà đến nay thậm chí người dân bản địa cũng chỉ ngấm ngầm hiểu với nhau chứ không dám nói ra, thì với một người Kinh xa lạ như tôi, họ càng không kể. Thế mà việc một mình thầm lặng ở các bản làng, rong ruổi trên những nẻo rừng đã mang lại cho tôi nhiều may mắn để có những phóng sự "độc".

Đến đây, hẳn sẽ có người nghĩ rằng tôi ích kỷ trong việc chia sẻ đề tài báo chí với đồng nghiệp. Nhưng tạm phân trần rằng với đặc thù công việc được phân công, tôi không thể cùng đồng nghiệp cơ quan rong ruổi qua các bản làng vì nỗi lo bỏ sót, bỏ trống địa bàn trong nhiều ngày. Còn với các đồng nghiệp khác, có lẽ không nhiều người bỏ thời gian, thậm chí đến nửa tháng để đeo đuổi đề tài dài kỳ mà không biết kết quả sẽ như thế nào.

Làm nghề báo không gì hạnh phúc bằng lúc độc giả đọc bài viết của mình xong thì đánh đốp vào đùi ngợi khen vì sự độc lạ. Chợt nghĩ đến câu "muốn nhanh thì đi một mình", tôi "độ" lại cho hợp với hoàn cảnh của mình: Muốn độc lạ thì phải đi một mình. Dù đi một mình rất buồn, rất lo…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.