Thâm nhập bữa ăn của VĐV Việt Nam: 'Không nghĩ đây là cơm của VĐV'

23/12/2015 10:48 GMT+7

Một chuyên gia dinh dưỡng đã thốt lên như vậy sau khi PV Thanh Niên cung cấp hình ảnh về các suất ăn tại Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia (HLTTQG) - Nhổn, Hà Nội.

Một chuyên gia dinh dưỡng đã thốt lên như vậy sau khi PV Thanh Niên cung cấp hình ảnh về các suất ăn tại Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia (HLTTQG) - Nhổn, Hà Nội.

soc-voi-bua-an-vdv-Viet-nam-dot-nhap-bua-an-vdv-trung-tam-huan-luyen-the-thao-quoc-gia-NhonKhay thức ăn của một VĐV cấp cao - Ảnh: Thúy Hằng
17 giờ 45 phút chiều. Một bếp ăn rất rộng được chia làm các khu vực chế biến, khu vực nhà ăn. Nơi ăn của các VĐV được chia làm các khu vực: cho VĐV cấp cao và các VĐV còn lại.
Thức ăn được chế biến xong sẽ trút vào các đĩa lớn bên ngoài, có khoảng 5 món (rau, thịt kho, thịt luộc, canh, món xào) các VĐV tùy ý chọn. Tuy nhiên, không phải món nào VĐV thích ăn sẽ được lấy nhiều hơn các món khác. Hôm chúng tôi ăn cơm có món chân giò nấu giả cầy, món này có nhân viên đứng ở cạnh khay thức ăn để chia vào khay cho mỗi người.
Bữa ăn diễn ra khá trật tự và nhanh chóng. Nhà ăn sạch sẽ và ngăn nắp, tuy nhiên thái độ của những VĐV trước khay cơm đều hờ hững.
18 giờ 30 phút, khi một nữ VĐV mang bát ra để xin thêm thức ăn thì đã không còn thức ăn gì, trừ rau và nước canh. Một khay cơm có mấy miếng thịt chân giò, rau luộc, chả quế, khoai tây xào, vịt luộc (thực ra chỉ có xương), thịt bò kho (thực ra theo quan sát của chúng tôi là gân bò, nguội và váng mỡ). Các món ăn đều rất nhạt nhẽo.

[VIDEO]: THÂM NHẬP BỮA ĂN CỦA VĐV VIỆT NAM -
Thực hiện: Thúy Hằng
Cô gái cảm giác đang nhặt từng hạt cơm để ăn. Ngồi đối diện cô, một nữ VĐV khác chan một ít nước canh vào cơm, ăn mấy miếng xương chân giò rồi ăn cho hết lưng bát cơm. Cô bỏ lại gần như cả một khay đồ ăn.
“Chẳng bữa nào em ăn được hết khay cơm này. Thức ăn lặp lại nhau, cơm nguội, rau nguội, cái gì cũng nguội”, cô này than. 
Các thành viên đội bắn súng lặng lẽ ăn. Khi các cô đứng lên, khay thức ăn hầu như vẫn còn bỏ lại nguyên phần thịt bò kho, chả quế... xương vịt.
“Thịt kho và chả quế là 2 món thường xuyên lặp lại ở đây. Ăn riết thấy chán”, một người nói. 
Tôi thử xúc một thìa cơm đưa lên miệng, hạt cơm nguội ngắt, rời rạc. Miếng thịt (gần giống thịt bò) nghẹn lại ngang cổ vì vừa dai vừa quánh mỡ. Chọn một miếng chả quế để tưởng dễ ăn hơn thì ngay lập tức tôi có cảm giác món chả này đã được hâm đi hâm lại nhiều lần. 
soc-voi-bua-an-vdv-Viet-nam-dot-nhap-bua-an-vdv-trung-tam-huan-luyen-the-thao-quoc-gia-Nhon"Đây là thịt vịt, nhưng thực ra chỉ là xương vịt thôi", một VĐV cấp cao buồn bã - Ảnh: Thúy Hằng
Khu vực ăn cơm của các VĐV cầu mây, không khí sôi động hơn một chút, khi các cô gái vừa ăn vừa đùa giỡn với nhau. Song, hầu hết các bữa ăn của các VĐV kết thúc chóng vánh, chúng tôi không nhìn thấy một bàn nào mà những khay cơm đều hết sạch.
Tất cả những thức ăn thừa trên khay được VĐV tự động mang ra trút hết vào một thùng rác lớn đặt trong nhà bếp.
Tại khu vực ăn cho VĐV cấp cao, thức ăn bị bỏ thừa nhiều không kém các nơi khác. Chế độ ưu tiên hơn cho VĐV này là khoảng 10 con ốc hương nướng, kèm một ly nước sinh tố dưa hấu. Tuy nhiên, những người ngồi trước mặt tôi đều không động đến ly nước này.
“Toàn đường và nước. Chị có muốn uống thử không?”, một cô gái hỏi tôi. Một VĐV cao cấp không động đến một con ốc nào và những miếng chả, thịt trong khay. Cô ngao ngán mở điện thoại di động cho tôi xem những bữa ăn các ngày trước. Chúng tôi nhận ra sự xuất hiện quen thuộc của khoai tây, thịt bò kho, chả quế.
Một khay thức ăn của 1 VĐV (không phải cấp cao) - Ảnh: Thúy Hằng
19 giờ, các VĐV trở về phòng của riêng mình. Đây mới là thời điểm “liên hoan” của các VĐV. Họ mang ra bánh, trái cây để ăn. Một số cô gái bàn kế hoạch tối nay ăn gì, cơm rang hay phở, cháo. “Bọn em thường xuyên ra ngoài ăn thêm, có khi một tuần đến 3 buổi”, một VĐV tiết lộ.
Chúng tôi đưa những hình ảnh vừa ghi lại về bữa ăn của VĐV cho một chuyên gia dinh dưỡng (xin giấu tên), sau mấy giây đăm chiêu, ông này thốt lên: “Nếu nói đây là bữa ăn của các anh chị (phóng viên) thì tôi thấy cũng giống, chứ tôi không nghĩ đây là cơm của VĐV”.
"Xem xét chế độ dinh dưỡng (1 quá trình, trong khi khẩu phần và thực đơn thì từng ngày) với bữa ăn này, tôi chưa biết dành cho đối tượng VĐV nào, nhưng nhìn chung đánh giá mức độ cung cấp năng lượng cho khẩu phần, món trên khay kia có vẻ với quan sát về mặt chuyên môn chỉ thiên về cung cấp protit, lipit.
Những con ốc trên mâm cơm trên khá khá đặc biệt, có giá trị dinh dưỡng một phần nào đó, nhưng không trông chờ cung cấp năng lượng cho VĐV may ra là khoái khẩu, thưởng thức. Chưa kể có vấn đề về vệ sinh thực phẩm, khiến VĐV bị rối loạn tiêu hóa
Chuyên gia dinh dưỡng
Trong khi trong thể thao, yếu tố quan trọng là năng lượng, bản chất của vận động thể thao là tiêu hao năng lượng chứ không phải tiêu hao protit, lipit, trừ khi thiếu năng lượng thì cần năng lượng bổ sung chuyển hóa”, vị chuyên gia dinh dưỡng nói thêm.
Chuyên gia trên còn khẳng định, một bữa ăn khoa học cần tăng năng lượng, giảm protit, lipit. “Bởi, theo nguyên tắc khi ta ăn 1 gram lipit, protit số năng lượng cần tiêu hóa chính thức ăn mình ăn vào cũng lớn. Nếu không tiêu hóa được, lượng axit amin tích trữ lâu dài sẽ dẫn đến thừa cân, béo phì của VĐV”.
Theo vị chuyên gia này, để chế biến những khay thức ăn như hình ảnh Thanh Niên đưa ra là không hề khó, một đầu bếp bình thường nào cũng có thể làm được, nấu các thức ăn, xếp lên khay, giống như ghép các món lại với nhau.
Ông nói: “VĐV cần ăn khối lượng ít nhất, nhưng năng lượng tạo nhiều nhất, ít thời gian tiêu hóa, chuyển hóa nhất vì không thể lúc nào cũng vác một cái bụng thức ăn để tập luyện”. Theo ông, bữa ăn trên cũng chưa đạt chuẩn khi những thực phẩm cung cấp vitamin rau xanh, thực phẩm tươi ít.
VĐV không phải cứ ăn cho chật một bụng thức ăn nhưng năng lượng, dinh dưỡng chẳng có gì.
“Những con ốc trên mâm cơm trên khá đặc biệt, có giá trị dinh dưỡng một phần nào đó, nhưng không trông chờ cung cấp năng lượng cho VĐV may ra là khoái khẩu, thưởng thức. Chưa kể có vấn đề về vệ sinh thực phẩm, khiến VĐV bị rối loạn tiêu hóa”.
Chuyên gia này còn đặt ra trong một sự so sánh, tại những nước khác có nền thể thao phát triển hơn Việt Nam, bác sĩ sẽ là người rời bàn ăn sau cùng, nếu VĐV ăn không hết thì trách nhiệm của bác sĩ và ông ấy sẽ khắc phục tình trạng này trong các bữa ăn sau.
Tuy nhiên, tình trạng này ngược lại ở Việt Nam, không ai quan tâm VĐV ăn gì, không ăn gì, thức ăn cứ mặc nhiên bị bỏ thừa một cách vô cùng lãng phí ở ngay tại Trung tâm HLTTQG.
"Chuyên gia dinh dưỡng cho thể thao khó tìm lắm"
Chúng tôi đem những than phiền của các VĐV tới các bữa ăn của trung tâm, hỏi ông Nguyễn Anh Minh, phụ trách báo chí của Trung tâm thì được cho hay. Trung tâm đang có 2 cái khó, 1 là số tiền bố trí ăn cho VĐV hạn hẹp. 2 là cả Trung tâm chưa có 1 chuyên gia dinh dưỡng.
“Chuyên gia dinh dưỡng cho thể thao khó tìm lắm. Người được đào tạo thì không từng là VĐV nên không hiểu được hết những đặc thù của từng bộ môn. Người làm được việc thì họ không ở đây lâu. Chúng tôi đang chờ một giáo sư ở trung tâm doping nghỉ hưu, mong ông sẽ sang đây hỗ trợ”, ông Ngô Ích Quân, Phó giám đốc Trung tâm phát biểu.
“Giá cả biển động, VĐV đội tuyển quốc gia được 200.000/ngày, tưởng là to nhưng thật ra nấu rất khó khi vừa phải đảm bảo đủ lượng và chất. Những món đắt tiền, chúng tôi phải có người đứng chia, nếu không thì không đủ. Nhưng, cũng có cháu hỏi, “xin thêm 1 miếng cũng không được sao”, thế nên ai nỡ lòng nào lại không cho các cháu xin thêm 1 miếng, nhưng quả thật, ai cũng xin thêm thì lấy đâu ra đủ?”, ông Quân phân trần.
“Trước SEA Games, các VĐV được ăn 300.000 đồng/ngày, chúng tôi cân đối tương đối dễ, chứ 200.000 đồng/ngày là cực kỳ khó”, ông Phí Ngọc Tuấn, trưởng phòng dinh dưỡng nói thêm.
“Vậy trung tâm lên khẩu phần ăn như thế nào cho các VĐV khi không có chuyên gia dinh dưỡng?”, phóng viên Thanh Niên hỏi.
“Thì đầu bếp phải là người làm. Thường theo thói quen, cơ thể mình thiếu gì thì thèm ăn cái đó. Thế nên chúng tôi để VĐV ăn tự chọn, họ thích gì ăn cái đó”, ông Ngô Ích Quân nói.
“Vậy có đúng được không?”, Thanh Niên hỏi tiếp.
“Nói vậy cũng đúng tương đối đấy. Thực phẩm chỉ là một phần cung cấp các chất cho VĐV, còn lại là thực phẩm chức năng”, ông Quân nói. Tuy nhiên, cũng chính ông Quân thừa nhận, không phải VĐV nào cũng được chế độ được thực phẩm chức năng hàng tháng, mà chỉ có những VĐV xuất sắc, trong những giai đoạn đặc biệt (khoảng 2 triệu đồng/tháng, cả nước có khoảng 63 VĐV - Thanh Niên).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.