|
Báo cáo của Chính phủ nhận định tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích. Tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước. Thiệt hại do tham nhũng gây ra đối với ngân sách nhà nước, tài sản của nhân dân, doanh nghiệp rất lớn nhưng giá trị tài sản thu hồi thấp.
Trong Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của QH Nguyễn Văn Hiện đánh giá năm 2014 việc áp dụng pháp luật để xử lý hành vi tham nhũng đã nghiêm minh hơn. Các loại án treo, phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, đình chỉ vụ án, bị can đã giảm nhiều so với năm 2013; nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm được xét xử nghiêm minh, đã có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung.
Đồng tình với đánh giá của Chính phủ rằng tình hình tham nhũng “phức tạp” và “ngày càng tinh vi, khó phát hiện...”, nhưng UBTP cũng khẳng định qua hoạt động giám sát, khảo sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thấy tình hình tham nhũng vẫn “nghiêm trọng”, xảy ra ở nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương và còn tiếp tục diễn biến phức tạp; đặc biệt nghiêm trọng là tham nhũng trong lĩnh vực tài chính công, ngân hàng, tín dụng đã gây thất thoát rất lớn tài sản nhà nước. Một số vụ việc nổi cộm được UBTP đưa ra dẫn chứng có vụ án Huỳnh Thị Huyền Như gây thất thoát khoảng 4.000 tỉ đồng; Vũ Quốc Hảo gây thất thoát 4.689 tỉ đồng; Vũ Việt Hùng gây thất thoát trên 1.000 tỉ đồng...
UBTP đánh giá việc kiểm soát trên thực tế tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn còn rất hạn chế do thiếu cơ sở pháp lý để theo dõi, xác minh, xử lý đến cùng đối với tài sản, thu nhập tăng lên một cách bất thường mà người có tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp.
Số vụ tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Một số địa phương tổ chức nhiều cuộc thanh tra, phát hiện ra nhiều sai phạm với giá trị vi phạm lớn nhưng lại không phát hiện được tham nhũng. Công tác phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu đã kéo dài nhiều năm, mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng cho đến nay vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt. Một số vụ việc có dấu hiệu phạm tội tham nhũng chỉ xử lý kỷ luật do người phạm tội đã khắc phục hậu quả, gây bức xúc trong nhân dân.
Cũng theo đánh giá của UBTP, việc thu hồi, xử lý tài sản sai phạm phát hiện qua xử lý các vụ tham nhũng vẫn đạt tỷ lệ thấp. Cơ quan điều tra các cấp đã thu hồi được 1.500 tỉ đồng/hơn 6.740 tỉ đồng thiệt hại phải thu hồi.
Chỉ có 32 trường hợp nộp lại quà biếu
Theo UB Tư pháp, tình trạng lợi dụng truyền thống văn hóa về quà tặng, cảm ơn, hiếu hỉ để đưa hối lộ vẫn diễn ra nhưng rất ít người nộp lại quà biếu, quà tặng. Báo cáo của UB Tư pháp cho biết trong kỳ báo cáo, cả nước chỉ có 32 trường hợp nộp lại quà biếu, quà tặng với tổng giá trị là 791 triệu đồng. |
Trường Sơn
>> Chống tham nhũng chưa thỏa mãn lòng dân
>> Đánh tham nhũng chưa trúng chỗ hiểm
>> Tham nhũng khu vực công vẫn nghiêm trọng
Bình luận (0)