Bội chi ngân sách kéo dài mà không ai chịu trách nhiệm
ĐB Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM đồng tình việc không tính vào nợ công các khoản tự vay trả của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Theo ĐB Châu, việc DNNN và các đơn vị công lập vay trả thuộc quyền tự chủ của các DN, đơn vị sự nghiệp, phù hợp các tiếp cận của luật doanh nghiệp các luật khác. Tuy nhiên, ĐB này cũng cho rằng, phạm vi nợ công bỏ qua các đơn vụ sử dụng vốn ngân sách nằm ngoài Chính phủ và các quỹ bảo hiểm xã hội là chưa tương đồng với chuẩn mực quốc tế.
Về trách nhiệm trong quản lý vay nợ, đồng tình với quan ngại của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về việc có nhiều cơ quan chịu trách nhiệm nhưng chưa rõ ai là cơ quan chính, cụ thể hoá trách nhiệm này ra sao, ĐB Châu đề nghị bổ sung quy định làm rõ trách nhiệm cơ quan cá nhân có thẩm quyền quyết định và các đối tượng liên quan trong toàn bộ quy trình huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng nợ công, đặc biệt là trường hợp sử dụng vốn vay không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí và trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý xử lý vốn vay.
ĐB Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Công ty đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM cho rằng, vấn đề bội chi ngân sách kéo dài và không ai chịu trách nhiệm liên quan đến bội chi trong thời gian dài dẫn đến việc tăng nợ Chính phủ, nợ công. Nợ của các chính quyền địa phương cũng chưa được thể hiện.
Theo ĐB Quốc, thu nhập bình quân của người dân Việt Nam là hơn 2.110 USD và mỗi người dân phải gánh một khoản nợ công hơn 1.300 USD. Theo dự báo, từ 15-17 năm nữa, dân số Việt Nam có trên 20% trên 60 tuổi dân số vàng đã chuyển tiếp, chưa mạnh thì đã nợ chồng chất. ĐB này dẫn ví dụ thu nhập của Việt Nam chỉ bằng 1/5 so với Malaysia, nhưng người dân Việt Nam lại phải gánh 62% nợ công /thu nhập mỗi người, trong khi Malaysia là 53%.
|
“Vấn đề là chúng ta không sâu sát những con số liên quan vấn đề nợ công. Thậm chí là vi phạm những luật liên quan như luật Ngân sách, cho phép nợ công vượt quá đầu tư phát triển. Năm 2014, bội chi ngân sách vượt chi đầu tư phát triển gần 1.000 tỉ đồng nhưng không thấy ai chịu trách nhiệm. Chính những chuyện như vậy dẫn đến nợ công ngày càng tăng”, ĐB Quốc nhận định.
Để chứng minh, ĐB Quốc dẫn ra một loạt các số liệu về các dự án đầu tư công phát sinh chi phí đội vốn “một cách kinh khủng không có kiểm soát”, như dự án cải tạo quốc lộ 13, đoạn từ Bờ Đậu - Tà Lùng, dự kiến 545 tỉ đồng, sau tăng thành 1.291 tỉ (tăng 137%); dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương dự kiến 6.500 tỉ sau thành 9.900 tỉ (tăng 52%); dự án metro Bến Thành - Suối Tiên, ban đầu 17.400 tỉ, sau tăng 47.325 tỉ, tăng 172%; dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông ban đầu 553 triệu USD, sau thành 892 triệu USD, tăng 61%..
tin liên quan
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng: ‘Nợ công tăng nhanh trước hết do điều hành’Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại phiên họp sáng 20.3, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Quản lý nợ công (sửa đổi).
Nợ công: nguồn cho tham nhũng
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, nợ công lẽ ra là nguồn lực tăng trưởng, phát triển bảo đảm quốc kế dân sinh, nhưng vừa qua trở thành một nguồn cho tham nhũng, lãng phí, để lại gánh nặng cho thế hệ sau.
Góp ý cho dự Luật, ĐB Nghĩa cho rằng cần quan tâm nợ của DNNN. Các DNNN đều do Nhà nước quyết định, nhân sự do cán bộ Đảng chuyên trách, toàn bộ hiệu quả DNNN do Nhà nước chịu. "Nếu nói Nhà nước không chịu trách nhiệm cũng không được, vì nếu DNNN vay nợ mà bị phá sản thì Nhà nước cũng không thể đứng ngoài", ĐB Nghĩa nói.
Theo ĐB Nghĩa, một trong những nguyên nhân nợ công cao nhưng chưa được chú ý là yếu tố tham nhũng và lãng phí. “Nếu không nhìn nhận rõ ràng vấn đề này để đưa vào luật sẽ không khắc phục được sai phạm”, ĐB Nghĩa nhấn mạnh.
Bình luận (0)