Ở một thành phố, nơi mà một bà bán chè chén xếp ghế cho khách ngồi vỉa hè buổi sáng, buổi chiều có “cán bộ” đến xé vé 20.000 đồng mà lại có những bãi giữ xe lậu tràn lan kể cũng là điều khó hiểu.
Nói các bãi đỗ xe đó “lậu” là vì nó không được cấp phép, đồng nghĩa với tiền thu được không được hạch toán vào ngân sách nhà nước, nhưng chỗ đỗ xe là diện tích đất công cộng là thật và tiền thu (thường là cao hơn các bãi xe có phép nhiều lần) là thật. Không nói thì ai cũng hiểu, tiền đó không chỉ thuộc về một vài “cá nhân tự phát” mà nó chắc chắn còn được dùng để mua sự im lặng, phớt lờ của một vài cá nhân có thẩm quyền, trong hệ thống các lực lượng quản lý đô thị vốn dày đặc bậc nhất của thủ đô.
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè ở Hà Nội nói riêng và nhiều đô thị khác nói chung hiện nay dường như đã đủ nói lên tất cả, năng lực cũng như sự công minh của bộ máy công quyền. Hàng quán tấn công vỉa hè, giữ ô tô, xe máy cũng trên vỉa hè. Ai cũng có thể đứng ra tự cho mình cái quyền thu tiền. Người dân cũng tự nhiên chấp nhận điều đó mà không cần lý do. Đơn giản vì an toàn tài sản, thà mất vài chục ngàn đồng còn hơn mất cặp kính chiếu hậu. Đã có một đại biểu Quốc hội từng gọi đó là một loại tham nhũng, “tham nhũng vỉa hè”.
Nhưng nói gì thì nói, trong khi hệ thống bãi đỗ xe công cộng của thành phố đang ở mức thiếu trầm trọng, chỉ đáp ứng được 10 - 15%, thì ý chí dẹp bỏ những bãi trông xe trái phép này không chỉ là thách thức với chính quyền sở tại mà vô hình trung nó tạo điều kiện cho việc tiêu cực của các lực lượng cấp cơ sở trở nên trầm trọng hơn.
Và trên thực tế, dùng biện pháp hành chính để xử lý, dẹp bỏ các bãi trông giữ xe này chỉ như bắt cóc bỏ đĩa, dẹp được chỗ này nó mọc ở chỗ khác, hoặc nó chỉ chuyển từ hình thức này sang hình thức khác, càng khó phát hiện mà thôi. Chính quyền không thể kiểm tra xử lý từng trường hợp mà cần có giải pháp tổng thể để nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu đỗ xe ngày một tăng cao.
Trong khi quỹ đất dành cho giao thông tĩnh trong trung tâm thành phố đã hết như tuyên bố, việc triển khai xây dựng các bãi đỗ, trông giữ xe theo phương thức xã hội hóa phải được đẩy nhanh hơn, phương án xây dựng bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe cao tầng phải được khuyến khích bằng các chính sách thuế, mặt bằng... Bên cạnh đó cần phải có quy định bắt buộc các trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, nhà hàng, trung tâm thương mại phải bố trí nơi để xe cho cán bộ nhân viên, khách đến giao dịch; chỉ cấp giấy phép đăng ký kinh doanh mới khi có phương án về bãi đỗ xe...
Nếu không có tư duy mới về quản lý vỉa hè, hạ tầng giao thông thì mọi nỗ lực của chính quyền chỉ làm cho tình trạng tham nhũng vỉa hè khó kiểm soát hơn mà thôi.
Bình luận (0)