Thảm sát Bình Phước: Những đứa con rời xa cha mẹ mãi mãi!

19/07/2016 09:36 GMT+7

Một hàng người bước đến tòa trên tay cầm di ảnh, gương mặt đậm đầy đớn đau. Hai người phụ nữ quỳ lạy trên sân tòa với gương mặt đầy nước mắt.

Tất cả họ, là người thân của nạn nhân và thủ phạm trong vụ Thảm sát 6 mạng người tại Bình Phước gây chấn động một năm trước.
Thay con nói lời xin lỗi
"Con dại cái mang", câu nói đứt quãng trong từng cơn nấc nghẹn mà bà Vũ Thị Thi - mẹ tử tù Vũ Văn Tiến. Bà đã quỳ gục van xin từng người thân phía bên người bị hại từ sáng sớm. Trong suốt phiên toà, bà luôn miệng lẩm nhẩm câu nói ấy trong khi hai tay chắp vào nhau, vái lạy từng tấm di ảnh của 6 người thiệt mạng trong vụ Thảm sát Bình Phước tháng 7.2015.
Những gì người đàn bà này có thể là, bà đã làm tất cả: đã viết tâm thư gửi chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đã gom góp 10.000 chữ ký của người dân xin ân xá cho con, đã chạy vay mượn được 20 triệu để đền bù cho gia đình người bị hại. Hết cách, bà chỉ còn biết quỳ lạy mà van xin bên bị hại đồng ý tha lỗi cho con bà.

Tôi lạy thay con mình, xin lỗi thay cho tội ác mà nó ngu dại dính phải. Bây giờ, tôi chỉ muốn xin 5 phút để nói lời xin lỗi thay con. Tôi sẽ cố gắng, làm mọi giá để con thoát án tử”.

Bà Thi, mẹ bị cáo Tiến

Giờ nghị án, bà Thi gục đầu vào hàng ghế phía trước, nước mắt đẫm đầy khuôn mặt. Bà bảo với tôi, vài ngày trước đã xin đến để thắp nhang cho những người bị nạn nhưng không được nên sáng nay đã quyết tâm đến thật sớm mà tìm gặp họ.
“Tôi lạy thay con mình, xin lỗi thay cho tội ác mà nó ngu dại dính phải. Bây giờ, tôi chỉ muốn xin 5 phút để nói lời xin lỗi thay con. Tôi sẽ cố gắng, làm mọi giá để con thoát án tử”, bà sụt sùi kể.
Trước đó, trong phần tranh luận, bằng tất cả đau đớn, chị Thiên Nga, em bà Ánh Nga (bà chủ căn biệt thự) đã xin khẩn trước toà trả công lý cho cái chết của vợ chồng chị gái cùng các cháu mình: "Luật sư bào chữa cho Tiến nói đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại nhưng gia đình chị tôi với 6 mạng người, giết xong rồi xin lỗi thì mất mát này ai gánh?"
Bà Thi mếu máo, bà nói: "Người ta giận thì nói vậy. Mình xin lỗi là cái tâm, xin lỗi cho con mình. Con tôi dại thì tôi dập đầu lạy mọi người, xin tha cho nó con đường để về với xã hội, về với tôi".
Giơ tay lên gạt nước mắt, bà Thi kể: "Bình thường Tiến rất kén ăn, thịt gà thì không ăn da, thịt heo phải chiên hoặc nướng chứ không ăn kho. Mà giờ hễ vô thăm thì bảo ăn gì cũng được, rồi khóc. Tôi làm sao không thương, nên tôi an ủi nó mẹ sẽ cố gắng".
Chắc có lẽ không đâu như chốn này, người ta thấy rõ nhất ranh giới mong manh giữa thiện và ác, hiểu thấu nhất sự tàn phá tột cùng của tội ác. Dù là bị cáo hay nạn nhân, nguyên đơn hay bị hại, ai cũng vác trên gương mặt và đeo nặng trong trái tim mình đớn đau và mất mát.
Và có lẽ, mất mát lớn nhất là quyền tự định đoạt cuộc sống của chính mình. Họ đã bị người khác tước đoạt điều đó bởi lòng ghen tuông và hận thù hoặc đã giao nộp mình cho pháp luật bởi tội lỗi chính mình gây ra.
Nỗi đau phủ trùm tất cả
Sáu tấm di ảnh được xếp dài trên hàng ghế người bị hại khiến người ta cảm thấy nghẹt thở. Cha mẹ bà Ánh Nga tóc bạc trắng đi từng bước khó khăn đến tòa đưa tiễn đứa con gái của mình đến trạm cuối cùng của vụ án. Em gái bà Ánh Nga ôm lấy tấm di ảnh của cháu gái Ánh Linh mà nức nở. Một vài người khác cứ chốc chốc nhìn vào từng tấm di ảnh của những người thân, rồi lại bật khóc.
Phía bên hàng ghế dành cho người nhà bị cáo, bà Thi cùng con gái chắp tay khấn cầu liên tục. Gương mặt người mẹ xẹp đi để yên cho những hàng nước mắt trào ra. Phút giây nghe con mình bị án tử hình, bà run rẩy, bám lấy tay của người thân mà lê từng bước ra khỏi phòng xử án. Tới cổng toà án, bà gục hẳn xuống, dựa vào góc đường mà oà lên nức nở.
Cứ thế mà khóc, mà gào tên con mình trong đầm đìa nước mắt: "Con ơi là con. Sinh ra chỉ mong con thành người. Con tôi khờ ngu dại, chỉ xin cho nó án chung thân mà trời không thấu, đất không hay. Bữa nay nó vầy chắc tôi về không sống nổi nữa đâu..."
Khi đứa con bị cắt đứt khỏi người mẹ, mãi mãi nó sẽ thành một thực thể bên ngoài, chẳng còn dính dấp vào nhau như sợi rốn nối truyền nữa. Mẹ của Tiến cũng như bao người cha, người mẹ khác: sinh con ra chỉ mong đứa con khoẻ mạnh và ngoan hiền, không làm điều ác. Bà có thể sinh con ra, mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày nhưng chẳng thể chết thay cho con hay mang giùm nó tội lỗi nặng nề với người khác.
Với bản án tòa tuyên, có lẽ người nhà những nạn nhân đã có thể an lòng vì công lý đã được thực thi, 6 mạng người chết oan đã có thể yên nghỉ. Còn đối với Dương và Tiến, thời gian cũng chỉ còn là những con số đếm ngược.
Ngày xưa, người mẹ đợi chờ con mình ra đời với hy vọng bao nhiêu thì giờ trái tim ấy rớt lặng bấy nhiêu khi phải đếm từng ngày con bị thực thi án tử.
Sáu mạng người đã chết, Dương và Tiến đã bị kết án tử hình, Thoại lãnh 16 năm tù. Câu chuyện thảm sát đã khép lại nhưng những vệt đau của mất mát, của tội lỗi vẫn lăn dài trên gương mặt những người ở lại.
Tôi đã tự hỏi, cái gì còn lại trong lòng mình sau hàng giờ đồng hồ nghe xét xử? Không phải là nỗi thảng thốt với tội ác quá tàn nhẫn như cách đây 1 năm, mà chính là sự ám ảnh về nỗi đớn đau tận cùng của những người làm cha, làm mẹ có con phạm trọng tội.
Khi đứa con bị cắt đứt khỏi người mẹ, mãi mãi nó sẽ thành một thực thể bên ngoài, chẳng còn dính dấp vào nhau như sợi rốn nối truyền nữa. Mẹ của Tiến cũng như bao người cha, người mẹ khác: sinh con ra chỉ mong đứa con khoẻ mạnh và ngoan hiền, không làm điều ác. Bà có thể sinh con ra, mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày nhưng chẳng thể chết thay cho con hay mang giùm nó tội lỗi nặng nề với người khác.
Và có lẽ, khoảnh khắc thấy con mình bị cảnh sát còng tay đi, thấy con cúi gục trước vành móng ngựa lãnh án tử là khoảnh khắc bất lực nhất trong cuộc đời người mẹ ấy.
Hình ảnh mẹ Tiến tất tả chạy theo con, rướn đôi mắt trông lên con giữa phiên toà, quỳ lạy trên nền đá khô cứng để cầu xin thay con tội ác húc vào lòng tôi sự xúc động. Một người bạn bảo với tôi: "Nhìn bà mẹ ấy, chắc mình không bao giờ hiểu nổi đau như thế là bao nhiêu..."
Tôi im lặng. Nắng chiều đã ráng vàng trên những hàng cây trong sân tòa, rọi tỏ gương mặt đầm đìa nước mắt của bà mẹ. Và, cũng phủ rõ 6 tấm di ảnh của những người đã chết..
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.