Đường lên bản, đi xe máy thì phải dắt bộ, mưa lũ lại bị chia cắt. Nơi thâm sơn cùng cốc ấy, ngoài nghèo đói còn không ít lạ lẫm.
|
|
Sống giữa rừng sâu
Đường Hồ Chí Minh nhánh tây chạy qua xã Lâm Thủy (H.Lệ Thủy, Quảng Bình) thưa thớt bóng dáng người và xe cộ. Chúng tôi vào báo cáo Đồn biên phòng Làng Ho để vượt rừng đến Chút Mút.
Chinh phục đường vào Chút Mút, cần phải có các loại xe chiến trường như U oát hay các dòng xe gầm cao hai cầu. Với xe máy thì cứ yên tâm, dắt bộ là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Cũng may, đường bây giờ có một số đoạn đã đổ xong bê tông, dẫu vậy, cũng mất hơn 1 tiếng đồng hồ cho khoảng 14 km, xe mới đến được bản.
Tên hành chính Eo Bù - Chút Mút có từ đầu những năm 1990. Nó được nhập từ 3 khu vực dân cư gồm: Eo Bù, Mù Cáo, Chút Mút. Đến nay toàn bản vỏn vẹn 61 hộ dân với 254 nhân khẩu. Thông tin từ trưởng bản trẻ tuổi Hồ Văn Bình (38 tuổi), bản chỉ có 3,3 ha ruộng nước; bình quân mỗi hộ có khoảng 2,5 sào đất hoa màu. Đất đai vốn hiếm hoi, trồng trọt vất vả, đã thế việc sản xuất luôn đối mặt với sự phá hoại của muông thú, gia súc.
tin liên quan
Vĩnh biệt 'chim sơn ca' của Tây Nguyên!Chẳng phải thân thích nhưng khi hay tin cô H’Ben, người được ví như 'chim sơn ca' của Tây Nguyên, cũng là vợ của Anh hùng Núp ra đi, lòng tôi nghẹn lại.
|
Người dân sống dựa vào rừng, từ nguồn thu nhập như đi lấy mật ong cho đến thực phẩm như rau, ốc, cá… Cuộc sống gần như tự cung tự cấp. Không có chợ, tất cả mặt hàng đều do người dưới xuôi mua mang lên bán lại. Thế nên giá cả tại bản cao gần gấp đôi ở đồng bằng. Tiền không có, giá cả cao; như một vòng luẩn quẩn khiến bà con luôn sống trong thiếu thốn.
374 ngày chìm trong bóng tối
Quá nửa buổi chiều, dân bản đã thổi lửa nấu cơm. Hỏi sao nấu sớm vậy, các bà, các chị bảo ăn sớm cho sáng trời kẻo chút nữa tối không thấy gì. Thì ra, đường điện kéo vào bản bị hư hỏng từ cơn lũ tháng 10.2016 đến nay vẫn chưa được sửa chữa, khắc phục. Nhẩm tính, hôm tôi đến bản là đúng 374 ngày không có điện. Đường dây mới được Đoàn Kinh tế quốc phòng 79 hỗ trợ xây dựng đưa vào sử dụng từ giữa năm 2015; còn trước đó, điện là thứ xa xỉ, có nằm mơ dân bản cũng không dám nghĩ tới. Nay không có điện, nhiều hộ bỏ tiền mua đèn phát sáng bằng pin. Mà cũng chỉ khi cần kíp hoặc ăn uống mới bật đèn, bởi sáng từng nào thì “tiền cháy” theo từng đó. Không ít gia đình nghèo không có tiền mua đèn, mua pin phải sống trong bóng tối; lo ăn cơm trước khi trời tối.
16 giờ, chị Hồ Thị Chàn cắt từng miếng măng rừng sắp vào nồi để luộc ăn bữa tối. Nhà chị nhỏ và trống trơ, phần mái phía trước bị bão thổi chưa lợp lại. Chia tay chồng, chị một mình nuôi 3 đứa con.
tin liên quan
Đến Xuân Giang ăn rêu đá“Thay mặt nhân dân tỉnh Hà Giang, chào mừng các vị khách từ miền Nam đến Xuân Giang, một xã miền núi thuộc huyện Quang Bình, nằm cách thành phố Hà Giang gần 100 km.
Cái cực cái khổ bám riết lấy chị. Nhưng, nhà chị vẫn còn khá hơn nhà vợ chồng anh Hoàng Tà và chị Hồ Thị Thanh. Ngôi nhà lợp lá trông như cái chòi, bên trong thì trống huơ trống hoác, vách sau của nhà cũng không có khiến gió lùa vào lạnh lẽo. Trong nhà không một vật dụng gì có giá trị, áo quần vắt lỏng chỏng. Anh chị có 2 người con, đứa lớn học lớp 1, đứa sau học mẫu giáo. Hỏi chị, đến tối cả gia đình nằm ngủ chỗ nào? Chị Thanh chỉ vào 2 cái võng được móc sẵn rồi bảo:
“Đó, nằm đó, còn lại nằm dưới sàn nhà”. Ngoài gian bếp, nồi niêu bát đũa vứt bừa bộn. Trên bếp, nồi cơm đang sôi. Hỏi chị Thanh thức ăn để đâu, chị cười nói: “Không có”. “Không có thì ăn cơm với gì?”. Chỉ tay vào cái cối nhỏ đựng muối và ớt đã giã sẵn để gần bếp lửa, chị bảo: “Với muối đó”. Cạnh đó, có cái thau đựng mấy miếng sắn đã bóc vỏ và 2 con đam suối (dạng như con rạm) để dành ngày mai nấu canh.
Bên kia dòng suối Rào Reng là 6 mái nhà trong hoàn cảnh tương tự. Ở tuổi 67, da nhăn nheo, gầy nhom nhưng bà Hồ Thị Thoa phải cầm rựa chặt cây cối, làm lụng vườn tược. Chồng mất cách đây hơn 10 năm, bà nuôi 5 người con. 2 người đã lập gia đình, con trai Hồ Văn Mồng đang học nghề ở TP.Đồng Hới, con gái Hồ Thị Hương học lớp 9, Hồ Thị Hạnh sinh năm 1997 nhưng chỉ mới học hết lớp 5. Những người con đầu của bà chẳng được học hành đến nơi đến chốn.
Nghèo khó, xa xôi nên bao nhiêu năm qua, cả bản mới chỉ có 2 người học đến lớp 12. Người bản làm cán bộ cấp xã, duy nhất có ông Hồ Văn Vâng (88 tuổi).
Bám bản giúp dân
Thời chiến tranh, Eo Bù - Chút Mút là địa bàn trung chuyển của các đơn vị vận chuyển phương tiện, lương thảo, vũ khí vào miền Nam. Để đảm bảo an toàn, bí mật, quân ta phải mở những con đường vắt qua dãy Trường Sơn sừng sững, đỉnh cao chót vót. Hiện trong rừng Eo Bù - Chút Mút vẫn còn nhiều xác xe vận tải, kiện hàng rơi rớt nằm lại vực sâu. Thời bấy giờ, bà con dân bản đóng góp công sức, vận chuyển hàng hóa, chỉ đường giúp bộ đội. Còn sau này, khi hòa bình, dân bản lại giúp biên phòng tuần tra biên giới, cắm mốc và giữ gìn cột mốc biên cương.
|
tin liên quan
Lớp học nơi lưng chừng trờiAi đi huyện cuối đường Trạm Tấu (Yên Bái), cách thị trấn 5 km nhìn sang tay phải thấy một con đường mòn dốc ngược toàn vết chân trâu. Đó là đường lên bản Tà Lù Đằng (xã Xà Hồ, Trạm Tấu) chon von lưng núi Pú Luông của dãy Hoàng Liên Sơn, ít người biết.
Cắm bản giúp dân còn có các giáo viên. Năm nay, bản đón thầy giáo trẻ Lê Văn Mạnh (26 tuổi, ở xã Sơn Thủy) lên phụ trách lớp 1 và lớp 2 với 9 học sinh. 2 lớp học chung 1 căn phòng, ngồi ngược hướng nhau. Thầy Mạnh tả xung hữu đột, lúc bên này khi bên kia để giảng bài, rèn chữ viết cho các em.
Lên lớp cao, các em phải ra trường chính ở trung tâm xã và đi các trường dân tộc nội trú học. Điểm trường mầm non, nhà trẻ nằm kề bên điểm trường tiểu học. Hằng ngày, 4 cô giáo và bảo mẫu trẻ là Lê Thị Huyền, Hồ Thị Thi, Ngô Thị Hồng Nhị, Nguyễn Thị Thịnh chăm nom, dạy dỗ 28 cháu sạch sẽ, ăn uống đầy đủ. Huyền và Nhị cắm bản 3 năm, 2 cô gần như nếm đủ hương vị của mảnh đất Chút Mút. Nhà ở trong xã, trong huyện nhưng các cô phải ở lại điểm trường. Nói thế mới thấy Chút Mút xa mà gần, gần nhưng quá xa.
Rời Eo Bù - Chút Mút, tôi mang theo lời đề nghị khẩn thiết của Trưởng bản Bình: “Nhờ nhà báo mần răng cho bà con cái điện, bà con mong lắm, không có điện không mần chi được”.
Bình luận (0)