Trung Quốc đang xây dựng một siêu xa lộ thông tin kết nối nước này với châu Âu và châu Phi trong một dự án được gọi là “con đường tơ lụa kỹ thuật số”. Một trong những phần quan trọng của cơ sở hạ tầng là tuyến cáp Pakistan và Đông Phi nối với châu Âu (Pakistan & East Africa Connecting Europe - Peace), hay còn được gọi là tuyến cáp Hòa Bình, dài 15.000 kilomet dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
Tuyến cáp ngầm bắt đầu từ Gwadar và Karachi ở Pakistan, đi qua những địa điểm khác ở châu Phi bao gồm Kenya, Djibouti, Somalia và Ai Cập, sau đó kết thúc tại Marseilles ở Pháp. Theo kế hoạch tuyến cáp này sẽ được mở rộng sang Nam Phi trong giai đoạn hai. Gwadar và Karachi đã được kết nối với Trung Quốc trước đó thông qua một tuyến cáp đường bộ đi vào hoạt động từ năm ngoái.
Jonathan Hillman, thành viên cấp cao, Giám đốc Dự án Tái kết nối châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết mục đích của tuyến cáp Hòa bình là trở thành con đường kết nối ngắn nhất giữa châu Á và châu Phi. Đồng thời nó cũng sẽ kết nối một số điểm nóng trong sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI) đầy tham vọng của Trung Quốc, bao gồm Pakistan, Djibouti, Kenya. Ông Hillman giải thích thêm sự xuất hiện của mạng không dây làm tăng nhu cầu về cáp dưới biển, vốn mang phần lớn dữ liệu quốc tế.
Tuy nhiên, dự án này đã gây ra bất an ở Washington, đặc biệt dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, vì lo ngại Bắc Kinh đang sử dụng công nghệ để theo dõi hệ thống của Mỹ. Hơn nữa, sự tham gia của tập đoàn viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei Technologies, vốn bị ông Trump đưa vào danh sách đen, lại càng gia tăng những lo ngại đó.
Eyck Freymann, tác giả của cuốn sách One Belt One Road: Chinese Power Meets the World (tạm dịch Một vành đai Một con đường: Sức mạnh Trung Quốc đáp ứng thế giới), nói rằng dự án xây dựng tuyến cáp mới đã diễn ra vài năm trước khi Mỹ và các nước khác bắt đầu nhắm vào Huawei như mối nguy cơ an ninh. Freymann cho biết Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, một trong “Bốn ngân hàng lớn” thuộc sở hữu nhà nước ở đại lục, đã tuyên bố sẽ tài trợ cho dự án vào năm 2017. Mặc dù không có thông tin chính thức nào được công bố, nhưng "với chiều dài của cáp, nó có thể tốn vài trăm triệu USD, cũng có thể hơn 1 tỉ USD".
Trên thực tế, Hengtong Optic-Electric Co là đơn vị đặt cáp, nhưng Huawei lại là một trong những cổ đông lớn nhất của hãng này. Huawei cũng đang cung cấp thiết bị cho các trạm và thiết bị truyền dẫn dưới nước.
Trong cuộc họp lập pháp hằng năm được tổ chức gần đây, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị mô tả dự án cáp mới là “con đường tơ lụa kỹ thuật số, hành lang của luồng thông tin thông suốt giúp các đối tác BRI giữ kết nối kỹ thuật số với nhau”.
Tuy nhiên, Ủy ban Thượng viện Mỹ về quan hệ đối ngoại hồi cuối năm ngoái đã lên tiếng cảnh báo nếu tuyến cáp Hòa Bình trở thành “cửa ngõ đưa đến vai trò toàn cầu cho Hengtong và Huawei Marine, thì Mỹ, châu Âu và các đồng minh khác sẽ ngày càng phụ thuộc vào cáp dưới biển của các công ty này trong việc truyền tải các loại dữ liệu nhạy cảm và có giá trị”. Báo cáo của Ủy ban nhấn mạnh “sự hiện diện ngày càng tăng của các công ty Trung Quốc trong các tuyến cáp ngầm dưới biển đưa đến những rủi ro mà Mỹ, châu Âu, đặc biệt là các đồng minh của NATO, không nên bỏ qua”. Ngay lập tức, Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc, nói rằng "các vấn đề liên quan đến công nghệ đã bị chính trị hóa bởi một số quốc gia đang cố gắng duy trì vị thế độc quyền của họ trong các lĩnh vực công nghệ cao".
Theo nhận định của ông Eyck Freymann, “kế hoạch trò chơi” của Trung Quốc là muốn trở thành nhà cung cấp phần cứng và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hàng đầu thế giới, bao gồm 5G, cáp quang, vệ tinh điều hướng, điện toán đám mây... Ông cho biết Bắc Kinh đã bắt tay thực hiện tham vọng hơn một thập niên trước.
“Năm 2007, Huawei đã xây dựng các tuyến cáp dưới biển nối bờ biển phía đông của Mỹ với Canada và châu Âu. Trung Quốc chính thức hóa chiến lược này vào năm 2015 với một sách trắng công bố “con đường tơ lụa kỹ thuật số” (DSR), nhưng lúc đó DSR là một khẩu hiệu hơn là một kế hoạch tổng thể có hệ thống. Giờ đây, nó là chiến lược mang tính địa chính trị nhiều hơn để chứng minh rằng Trung Quốc có thể tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của mình bất chấp sự phản đối của Mỹ”, ông Eyck Freymann nói.
Trung Quốc đang thua trong cuộc chiến 5G vì nhiều nước châu Âu quyết định không cho phép Huawei tham gia. “Nhưng tuyến cáp Hòa Bình lại chứng minh rằng Trung Quốc có thể sẽ thắng ở một chiến trường rộng lớn hơn. Ví dụ, Pháp và Đức đã từ chối yêu cầu của chính quyền ông Trump về việc không tham gia vào tuyến cáp Hòa Bình, với lý do không muốn tách rời hoàn toàn về công nghệ với Trung Quốc”, ông Eyck Freymann nói.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện vẫn chưa có lập trường chính thức về vấn đề này, nhưng gần đây đã tiếp tục chính sách cứng rắn với Huawei, hạn chế hơn nữa việc bán các sản phẩm có thể được sử dụng với thiết bị 5G cho công ty viễn thông Trung Quốc.
Bình luận (0)