Một trong những mục tiêu là thu thập 85 kg mẫu vật ở bề mặt và trong lòng mặt trăng, cao hơn số lượng trung bình 64 kg do đội ngũ thành viên của các sứ mệnh Apollo từ năm 1969 đến 1972.
“Mặt trăng nắm giữ tiềm năng khổng lồ về khoa học, và các phi hành gia sẽ giúp chúng ta tiếp cận (những bí mật đó)”, theo quan chức NASA Thomas Zurbuchen.
Dự kiến được triển khai trước cuối năm 2021, sứ mệnh Artemis I sẽ bao gồm việc thử nghiệm Hệ thống Phóng Không gian (SLS) và tàu du hành không người lái Orion.
Artemis II sẽ chứng kiến chuyến bay thử nghiệm đưa phi hành gia lên quỹ đạo mặt trăng vào năm 2023, nhưng không đáp lên bề mặt chị Hằng.
Cuối cùng, Artemis III sẽ đưa các nhà du hành vũ trụ Mỹ, trong đó có người phụ nữ đầu tiên, đặt chân lên mặt trăng vào năm 2024.
Trong báo cáo dài 188 trang, NASA đặt ra 7 mục tiêu cho sứ mệnh Artemis III, bao gồm khám phá các quy trình của hành tinh.
Các phi hành gia chỉ có tối đa 6 ngày rưỡi trên mặt trăng, và báo cáo cung cấp các mục tiêu cần thiết cho việc lên kế hoạch cần hoàn thành trong khoảng thời gian quý báu này.
Một số đề xuất của giới chuyên gia bao gồm thiết lập dữ liệu thời gian thực và đường truyền video kết nối với đội ngũ trên mặt đất, kịp thời hỗ trợ các phi hành gia trên mặt trăng.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đề xuất phát triển những công cụ khoa học với trọng lượng nhẹ nhưng đa năng hơn, cho phép thực hiện nhiều sự đo đạc cần thiết trong lúc thao tác trên bề mặt chị Hằng.
Đồng thời, báo cáo còn đề cập đến khả năng NASA nên cân nhắc chuyển trước các phương tiện, thiết bị khoa học lên vùng phụ cận điểm đáp dự kiến của sứ mệnh Artemis III.
Mục tiêu xa hơn của NASA là thiết lập căn cứ Artemis trên mặt trăng trước khi kết thúc thập niên 2020.
Bình luận (0)