AFP hôm 17.8 dẫn lời đội ngũ bác sĩ giải phẫu của Trung tâm Y tế Langone thuộc Đại học New York (NYU-Mỹ) cho biết một quả thận lợn được can thiệp gien di truyền vẫn hoạt động sau hơn 1 tháng kể từ cuộc phẫu thuật ghép tạng cho một bệnh nhân chết não.
Cuộc phẫu thuật đánh dấu cột mốc quan trọng trong lĩnh vực cấy ghép dị chủng, chỉ phương pháp sử dụng tế bào hoặc cơ quan nội tạng của các loài khác để điều trị các hội chứng y khoa ở người.
Bác sĩ giám đốc Robert Montgomery của Viện Cấy ghép Langone của NYU đề cập thực trạng lâu nay: "Không đủ nội tạng cho những người cần đến".
Ông là bác sĩ mổ chính trong cuộc phẫu thuật hồi tháng 7, cũng là lần ghép thận thứ 5 được NYU thực hiện.
"Hiện có quá nhiều người tử vong do thiếu nội tạng, và tôi thật sự tin rằng cấy ghép dị chủng là một biện pháp khả thi để thay đổi tình trạng đó", ông bổ sung.
Trước cuộc giải phẫu, thận lợn được can thiệp di truyền để loại bỏ protein chắc chắn bị hệ miễn dịch người đào thải. Người tiếp nhận là ông Maurice "Mo" Miller, 57 tuổi, bệnh nhân bị u não và được xác định đã chết não.
Đội ngũ NYU cũng ghép tuyến ức của lợn vào cơ thể ông Miller để hỗ trợ việc "luyện" cho hệ miễn dịch người làm quen với quả thận không cùng chủng loài.
Thận lợn tiếp tục các chức năng bình thường như lọc thải chất độc và tích tụ urine.
Chỉ tính riêng tại Mỹ, có thời điểm hơn 100.000 người chờ được ghép nội tạng, đa số là thận.
Bình luận (0)