Thân phận con ong

28/07/2015 08:13 GMT+7

Mới đây, tại xã Bình An, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) một số người dân địa phương đã tái lập chuyện đập phá đàn ong của một số chủ trại ong tại đây.

Mới đây, tại xã Bình An, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) một số người dân địa phương đã tái lập chuyện đập phá đàn ong của một số chủ trại ong tại đây. Nói “tái lập” là bởi, cũng tầm này năm ngoái, hàng chục thùng ong của các chủ trại nuôi ong cũng bị người dân đập phá, gây thiệt hại đáng kể cho người nuôi ong.

Lấy lý do đàn ong sẽ là thủ phạm gây hại mùa màng, nhất là cây lúa lúc trổ đòng nên nhiều người dân đã đến đập phá các thùng ong, thậm chí dùng bình xịt thuốc sâu để xịt vào đàn ong cho đến chết. Theo suy diễn của người nông dân, khi lúa trổ đòng, nếu con ong bu bám vào để lấy phấn, bông lúa sẽ không ngậm sữa, chuyện mất mùa sẽ xảy ra. Họ đập phá các thùng nuôi ong không phải vì ghét bỏ gì người nuôi chúng mà vì sợ ảnh hưởng đến mùa màng từ con ong.
Thật đáng tiếc là chuyện đập phá này đã từng xảy ra hồi năm 2014 tại phía tây huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Cơ quan chuyên môn lúc bấy giờ đã can thiệp và giải thích để bà con nông dân hiểu về tác dụng của loài ong mật, chấn chỉnh những suy nghĩ lệch lạc vì thiếu hiểu biết của người dân. Tuy nhiên, đàn ong vẫn phải chuyển dời đi nơi khác. Và năm nay, chuyên phá đàn ong vì sợ ảnh hưởng đến mùa màng lại xảy ra một cách đáng tiếc.
Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) khẳng định kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học và thực tiễn đã chứng minh đàn ong không làm ảnh hưởng xấu đến mùa màng mà ngược lại góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ thụ phấn cho cây trồng. Kinh nghiệm dân gian cho thấy, các loại bí, nhất là bí đỏ, muốn cho tỷ lệ đậu quả cao, ngay từ sáng sớm, các chủ vườn đã đi ngắt những chiếc bông (gọi là “bông đực”) sau đó cắm vào những chiếc bông có quả (gọi là “bông cái”) để việc thụ phấn thuận lợi hơn, thay vì để các loài ong “thụ phấn” giúp.
Tạo hóa đã sắp đặt để muôn loài tồn tại trong tự nhiên. Nhiệm vụ của loài ong là đi lấy mật để làm thức ăn nhưng chính công việc này đã giúp cho sự thụ phấn của các loài cây trồng đậu quả dễ dàng hơn. Chính vì các cơ quan chuyên môn không tuyên truyền, giải thích cặn kẽ cho người nông dân để họ hiểu biết một cách thấu đáo về tác dụng của loài ong như một chiếc cầu, giúp cây trồng đậu quả tốt hơn nên mới xảy ra chuyện đập phá đáng tiếc như đã đề cập.
Con ong nào có tội tình gì mà thân phận của nó quá tội nghiệp! Người nông dân thiếu những kiến thức cần thiết để có thể lý giải các hiện tượng có lợi cho con người trong tự nhiên, như loài ong mật chẳng hạn.
Đập phá đàn ong nuôi là hành động hủy hoại tài sản của người khác. Để việc làm nông nổi này không tái diễn, ngoài việc tuyên truyền, giải thích, cơ quan chuyên môn cũng nên có những thí nghiệm cụ thể về tác dụng của ong mật đối với mùa màng cho người nông dân. Họ chỉ tin khi nhìn thấy tận mắt chứ không tin vào lý thuyết suông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.