Trong các dịp cúng kiếng đặc biệt (rằm, giỗ) trong năm, bánh ít mặn vẫn được xem là món truyền thống phải có của người địa phương Nha Trang.
>> Nhớ thương chiếc bánh rợm
>> Thương nhớ bánh cục Bến Tre
|
Bánh ít mặn khác với bánh ít ngọt nhân đậu xanh hoặc nhân dừa. Bánh ít mặn vốn là loại bánh chay dành riêng cho việc cúng kiếng và được gói trước khi hấp, còn bánh ít ngọt thông thường làm từ lá gai hấp chín rồi mới gói.
Bánh ít mặn được làm từ bột nếp và nhân đậu xanh xào mặn với ít rau củ, gia vị. Đôi khi, người ta còn cho vào nhân bánh những con tôm đất tươi rói, bé xíu bằng đầu đũa.
Mỗi dịp đặc biệt như vậy, đại gia đình tôi, các cậu, các dì lại sắp xếp thời gian tụ tập về nhà ngoại, chuẩn bị cho một món bánh thân thuộc đến mức gần như không thể thiếu trong mỗi dịp giỗ trong nhà. Bánh được làm khá nhiều, chừng hai xửng bánh, để bày đủ các bàn thờ trong nhà và dành làm quà cho khách mang về.
Từ đêm hôm trước, bà ngoại tôi đã chuẩn bị cắt lá chuối để gói bánh. Lá chuối được hái trong vườn từ chiều, rọc khỏi bẹ, rửa sạch, phơi ráo, rồi cắt bản tròn chừng bàn tay người lớn xòe to. Một cái bánh ít cần hai lớp lá chuối, bọc bên trong bánh và phủ bên ngoài cho chắc chắn.
Bột nếp được xay và vắt kiệt nước, nhồi với nửa chén dầu ăn và 1 muỗng cà phê muối cho thấm. Đậu xanh được ngâm vài tiếng rồi hấp chín. Sau khi đậu hơi nguội, đem giã trong cối cho nhuyễn rồi ướp với đường.
Trong thời gian chờ đợi thì bằm nhuyễn boa rô, cà rốt, nấm mèo, để riêng trong từng chén nhỏ. Ngoại tôi lấy dầu ăn cho vào chảo nhỏ đang nóng, rồi bỏ boa rô vào phi, lần lượt cho cà rốt và nấm mèo vào chảo, thêm chừng 2 thìa muối thì tắt bếp. Sau đó bỏ thêm đậu đã giã và tiêu.
Trong lúc chờ nhân nguội, một cái sàng lớn được trải ra giữa nhà, phủ lá chuối cho sạch. Các phần vỏ bánh, nhân bánh, lá gói và dầu ăn thoa bánh được bày ra, mọi người trong nhà quây quần cùng gói.
|
Người thì ra bột nếp, mỗi viên nhỏ bằng trái chanh, người lại vo nhân, viên nhân chừng chỉ chừng trái tắc. Người lại dùng tay bóp mỏng viên bột nếp rồi khéo léo gói viên nhân đậu xanh vào, vo tròn. Tiếp theo, lại cẩn thận thấm dầu viên bánh và gói lần lượt trong hai lớp lá chuối trước khi xếp vào xửng đang để sẵn.
Cánh đàn ông sẽ chuẩn bị trước việc nhóm bếp, canh lửa chờ sẵn. Khi hai xửng bánh được xếp đầy, cậu tôi nhanh nhẩu khiêng chúng xuống bếp. Bánh được hấp chừng nửa tiếng thì lấy ra khỏi bếp và để nguội cho đến đặt lên lên bàn thờ.
Bánh ít làm lâu công, nhưng sự dẻo thơm của nếp quyện với vị béo, bùi, mặn, ngọt của lớp nhân đậu xanh bên trong vẫn khiến nó trở thành món quà mang về được ưa chuộng hơn thảy những loại bánh ngọt khác. Và bánh ít, từ lâu đã trở thành một nghi thức bắt đầu cho một cuộc sum vầy của đại gia đình tôi.
Trần Hải Anh (thực hiện)
Bình luận (0)