Thân thương dừa nước quê mình

03/11/2022 18:00 GMT+7

Cặp theo mé con rạch quê tôi, dừa nước mọc thành từng rặng. Tàu lá leo reo, mướt xanh, khoe mình sải rộng; cây cờ bắp chỉa thẳng lên trời. Những ngôi nhà sớm nhất ở xứ tôi từ thuở khai ấp mở làng được dựng lên bởi đòn tay tràm đồng, tre ngâm, sắp nóc lá chầm, vách dừng lá dừa nước.

Tuổi thơ tôi lớn lên dưới mái nhà lợp bằng lá chằm đốp. Đó là loại lá cọng được rọc ra từ những tàu lá lớn, mỗi hai cọng gập đôi vào hom xếp mí lần lượt rồi dùng dây lạt kết thành tấm; việc xếp lá phải khéo tay để khi lợp giọt nước không dột xuống nhà. Những tàu lá nhỏ hơn được tề bằng và xé đôi. Sau khi phơi khô sẽ là vật liệu dùng để làm vách.

Dừa nước trở thành hình ảnh thân thương mang tính biểu tượng mà chỉ cần thấy dừa nước là như thấy cả hồn quê sông nước miền Tây

TGCC

Ngày còn nhỏ, hồi nào tía có đốn lá xé phơi để sửa nhà hoặc làm trại xuồng, chuồng trại, vào những buổi chiều, chị em tôi thích ra chơi hoặc nằm dài trên lá để ngắm mây trời. Có khi cả nhà còn ngồi trên thảm lá phơi để ăn cơm, ca hát hoặc chỉ tán gẫu chuyện ruộng nương vườn tược. Những lúc ấy tôi thường nhảy vào lòng bà nội tôi để đòi bà kể những câu chuyện ngày xưa hay lắm về cọp và cá sấu thuở xứ này vẫn còn là rừng rậm hoang vu. Vừa nghe kể chuyện, tôi vừa thả hồn thiu thiu bên vạt áo vá thơm mùi trầu thuốc của nội. Những làn gió hiu hiu cũng mang theo mùi ngai ngái của lá dừa nước đang trở mình khô. Đó là mùi của bùn đất bãi bồi sình lún có thể còn có sỏi và cát phù sa đẫm qua nắng sớm mưa chiều.

Không ai biết cây dừa nước trên bến sông có tự hồi nào. Nhưng từ điểm đầu Long An về tận đất mũi Cà Mau dường như dòng sông con kênh nào cũng lao xao dừa nước. Bà nội tôi kể, trào còn mưa bom bão đạn, dừa nước bị tàn phá nhiều lắm. Nhưng chỉ cần còn một trái già sót lại quả ấy sẽ ngao du. Không sợ vùng đất mới cho dù điều kiện có khắc nghiệt đến đâu, miễn trên đường thiên lý gặp bến nơi phù hợp, trái dừa sẽ tự tấp lại trổ mọng; một khi bén đất rễ sẽ cắm sâu, gom giữ từng hột phù sa cung cấp dinh dưỡng cho mùa màng.

Ít khi nào thấy dừa nước chịu sống đời lẻ loi. Chúng nảy nở sinh sôi, những bập dừa như những bàn tay nắm tay trở thành một quần thể thủy sinh chống xói lở bờ rất tốt. Quần thể đó còn là nơi cư trú của biết bao loài thủy hải sản ăn bông dừa rụng và rong rêu. Nhưng đám con nít chúng tôi hồi nhỏ thì chỉ quan tâm và mong chờ mùa cho quả “đông ken” để tha hồ được ăn thỏa thích. Trái dừa nước chẻ ra vừa có thể lấy cái ăn tại chỗ, đem dầm với đá hoặc cầu kỳ hơn thì để nấu chè.

Má tôi thì hay dùng lá dừa nước để làm bánh lá rau mơ. Đó là một loại bánh bột dân dã của xứ tôi, ăn kèm với nước cốt dừa lúc còn nóng thì ngon dữ lắm. Nếu những lá già dùng để trải bột đem hấp, thì những lá non từ thân cờ bắp thường dùng để gói bánh dừa.

Những đứa con gái trong xóm hồi ấy thì không mê gì hơn những món đồ thủ công làm từ lá dừa nước như con cào cào châu chấu, đồng hồ, cà rá, bông hoa... Đám con trai thì thích xin người lớn những bập dừa sau khi được tách da chẻ lạt bó lúa để đẽo những cây kiếm, thanh đao rồi bắt bồ chơi đánh trận.

Bập dừa nước còn là những cái phao mà lũ con nít bọn tôi dùng để tập lội. Con chuồn chuồn thuở nào cắn rốn đau điếng nhưng không giúp đứa nào trong xóm biết bơi. Nhờ bập dừa nước, chúng tôi biết tự dạy nhau, đứa lớn dạy đứa bé rồi dần dần đứa nào cũng thành rái cá.

Lâu lâu ấp nhỏ có đám cưới đám hỏi, cây dừa nước còn được bước lên một tầm cao mới khi trở thành nguyên liệu chính trang trí cổng rạp. Trước ngày chánh diễn ra lễ cỗ thường vui phải biết. Chúng tôi lăng xăng lộn xộn để chờ được người lớn nhờ lấy con dao cái kéo khi đang bận tay ráp rồng phượng hoa hòe. Không hiểu sao nhưng đến tận bây giờ lòng tôi vẫn nao nao thương nhớ cái cổng rạp bằng lá dừa ngày xưa. Dù chỉ tàn một ngày vui là phải dỡ đi nhưng người quê tôi vẫn sẵn sàng bỏ nhiều thời gian và tâm sức để trang trí chỉ để nhìn cho ưng cái bụng.

Cây dừa nước, thầm lặng nhưng lại góp mặt đủ đầy trong đời sống vật chất lẫn tinh thần của người miệt sông nước. Từ cho buồng, thứ quà vặt ngon nhứt hạng của con nít vùng quê miền Tây thuở xưa và đang dần trở thành đặc sản tỏa đi phố thị. Cho những bập bè để trẻ nhỏ xứ sông rạch học bơi. Cho những món đồ chơi dân gian thủ công ở cái thời thiếu thốn mọi bề. Lớn lên dựng vợ gả chồng, dừa nước cho những cái cổng rạp lá dừa xinh xinh. Cưới xong ra riêng dừa nước lại cho lá cất nhà che mưa che nắng. Mùa thu hoạch cho những sợi lạt bền chắc để người nông dân bó lúa, dễ dàng ôm lên xuồng ghe máy kéo để đưa về sân. Sau này, khi ngày càng có nhiều người miền Tây tha phương cầu thực xứ xa, dừa nước cho kẻ ly hương một nỗi nhớ, để ai cho dù có đi đâu cũng nghĩ về quê nhà mà đau đáu.

Cây dừa nước, tự nhiên mà gắn bó như một người bạn, đã đồng hành cùng người miền Tây suốt một chặng đường dài kẻ quê còn cơ hàn, vất vả. Không kể công, không hờn giận; mỗi ngày đều leo reo khúc hát mặc cho thế sự đổi dời. Để rồi, cũng rất tự nhiên, dừa nước trở thành hình ảnh thân thương mang tính biểu tượng mà chỉ cần thấy dừa nước là như thấy cả hồn quê sông nước miền Tây. Chỉ cỏ cây thôi mà một đời thủy chung, một đời tận hiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.