Thận trọng với sông Hàn - Kỳ 3: Coi chừng biến sông thành kênh Hàn

16/07/2015 06:16 GMT+7

Không chỉ giới chuyên gia, người dân Đà Nẵng, những người gắn bó với sông Hàn cũng đang hồi hộp theo dõi những tranh luận xung quanh đồ án quy hoạch của Công ty JiNa (Hàn Quốc). Đa số đều có chung tâm trạng sợ "mất" sông Hàn.

Không chỉ giới chuyên gia, người dân Đà Nẵng, những người gắn bó với sông Hàn cũng đang hồi hộp theo dõi những tranh luận xung quanh đồ án quy hoạch của Công ty JiNa (Hàn Quốc). Đa số đều có chung tâm trạng sợ "mất" sông Hàn.

“Cầu tàu tình yêu” và biểu tượng “Cá chép hóa rồng” che chắn dòng chảy sông Hàn “Cầu tàu tình yêu” và biểu tượng “Cá chép hóa rồng” che chắn dòng chảy sông Hàn - Ảnh: H.T

"Đánh cắp" không gian của người dân

Gắn bó và chứng kiến những đổi thay của Đà Nẵng nhiều thập niên qua, ông Thái Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.Đà Nẵng kể, trước đây Đà Nẵng cũng đã có những công trình xấu xí, phá vỡ quy hoạch như nhà hàng thủy tạ từ đường Bạch Đằng lấn ra sông, ngay ngã ba Bạch Đằng -  Lê Văn Duyệt. Nhà hàng này tồn tại trước năm 1975, sau này thành phố đã quyết tâm đập bỏ, xây dựng công viên nhỏ sát bờ sông cho người dân vui chơi như hiện nay. "Đó là những bài học lịch sử mà những người làm quy hoạch không thể không lưu ý khi "chạm" vào sông Hàn" - ông nói.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An cho rằng, hiện trạng sông Hàn nhất thiết không được có công trình kiến trúc, nhà mặt tiền, không được chia nát cho doanh nghiệp. Nếu xã hội hóa thì cần đảm bảo quyền thụ hưởng của người dân như những công trình công cộng.

Đồ án của JiNa xem sông như quỹ đất để thể hiện quy hoạch của mình là không nên. Cái ảnh hưởng lớn nhất ở đây là cảnh quan con sông bị tác động mạnh, bị thu hẹp bởi các công trình trên mặt nước và hai bên bờ khiến con sông thơ mộng này dễ bị biến từ sông Hàn thành con kênh Hàn

Kỹ sư Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng

Mang tâm trạng bức xúc về những công trình đã được quy hoạch và xây dựng trên sông Hàn thời gian gần đây, ông Hồ Phước Thành (54 tuổi, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) bày tỏ lo lắng: “Thực tế đã có nhiều cái gọi là “điểm nhấn trên sông Hàn” được xây dựng nhưng chỉ khiến người dân thấy rất xa lạ, phản cảm. Con cá chép hóa rồng, cầu tình yêu ở bờ tây sông Hàn hiện đang kéo theo quá nhiều dịch vụ chen lấn nhau rất phản cảm. Cái sai trong quy hoạch thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng, khó có cơ hội sửa chữa nên phải vô cùng cẩn trọng”.

KTS Trần Nghĩa, một người tâm huyết với việc quy hoạch những con sông tại VN đặc biệt bức xúc trước việc Đà Nẵng cấp phép cho xây dựng một bến du thuyền có hình dáng con tàu cao bằng tòa nhà nhiều tầng đang được xây trên mặt nước sông Hàn. "Một bến du thuyền cao đến 5 tầng, dài gần 1 km này sẽ góp phần giết chết sông Hàn và quan trọng hơn là “đánh cắp” không gian thơ mộng, thoáng đãng trên mặt tiền sông của người dân, du khách" - KTS Trần Nghĩa nói.

Tư duy hiện đại là... cao tầng

 Từ Trà Vinh, KTS Lê Công Sĩ nói rằng ông khá ngạc nhiên và không thể chịu nổi tại sao không tổ chức cuộc thi ý tưởng mà phải chỉ định một công ty cụ thể thiết kế quy hoạch. Nếu thi ý tưởng, trên cơ sở các ý tưởng được chọn rồi kết hợp với đơn vị tư vấn giàu kinh nghiệm tiến hành quy hoạch sẽ tốt hơn. "Nay Công ty JiNa đã chính thức trở thành đơn vị tư vấn thiết kế quy hoạch tổng thể và triển khai quy hoạch cảnh quan hai bờ sông Hàn. Chưa nói đến việc Công ty JiNa làm tốt hay không tốt thì tôi cho rằng đó đã là “điểm trừ” trong tư duy quản lý" - KTS Lê Công Sĩ nói.

Về đồ án quy hoạch của JiNa, theo KTS Lê Công Sĩ, cần xóa bỏ quan điểm “hiện đại là phải cao tầng” trong quy hoạch cảnh quan bờ sông Hàn. Đồ án cũng có quá nhiều sự can thiệp khá “thô bạo” vào cảnh quan bờ sông với nhiều đường nét gãy gọn, dứt khoát, làm giảm sự thơ mộng về cảnh quan hai bờ. "Những con đường ven sông, những trục cảnh quan sao không là những đường cong, lượn một cách ngẫu hứng táo bạo, mà cứ phải trồi ra thụt vào một cách “thô bạo”? Tôi mơ về một sông Hàn với cảnh quan thơ mộng, bay bổng hơn là một sông Hàn hiện đại theo hướng ken đặc công trình và hối hả bởi những dịch vụ thuần tính kinh doanh”, KTS Sĩ nói.

KTS Trần Nghĩa cho rằng, việc tiến hành quy hoạch lại hai bên bờ sông như Đà Nẵng là một việc làm cần thiết. Tuy nhiên, để bờ sông trở nên thơ mộng, không nên bê tông hóa bờ sông như trong đề án thiết kế của JiNa. Cần tạo thêm nhiều cảnh quan, các tiện ích, khu vui chơi công cộng cho người dân, du khách.

Ở góc độ khác, khẳng định vai trò thoát lũ của sông Hàn, kỹ sư Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng phân tích, sông Hàn hiện tại đã bị lấn ít nhiều trong quá trình mở rộng đường Bạch Đằng trước đây. “Đồ án của JiNa xem sông như quỹ đất để thể hiện quy hoạch của mình là không nên. Cái ảnh hưởng lớn nhất ở đây là cảnh quan con sông bị tác động mạnh, bị thu hẹp bởi các công trình trên mặt nước và hai bên bờ khiến con sông thơ mộng này dễ bị biến từ sông Hàn thành con kênh Hàn”, kỹ sư Thắng thẳng thắn. 

“Quy hoạch phải có tầm nhìn cho tương lai, chứ không khéo vài mươi năm sau, những bến du thuyền hiện tại sẽ lỗi thời và trở thành rác của thành phố”, kỹ sư Hồ Xuân Mai (Sơn Trà, Đà Nẵng) chia sẻ nhận định.

Đà Nẵng phạt tiền người xả rác ở bãi biển du lịch

Tin từ UBND TP.Đà Nẵng cho biết từ ngày 15.7 tiến hành thí điểm xử phạt hành chính đối với hành vi xả rác thải, gây mất vệ sinh tại các bãi biển du lịch trên địa bàn Q.Sơn Trà và Q.Ngũ Hành Sơn. Cụ thể, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 - 100.000 đồng đối với hành vi vứt tàn thuốc lá; phạt 100.000 - 200.000 đồng hành vi vứt rác thải sinh hoạt; phạt 200.000 - 300.000 đồng đối với tiểu tiện không đúng nơi quy định. Thời gian xử phạt thí điểm từ 15.7 - 30.9.2015. Thẩm quyền xử phạt thuộc Chủ tịch UBND các cấp, công an, Thanh tra Sở TN-MT.

Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết đã triển khai tuyên truyền về thông tin xử phạt trên loa phát thanh, biển báo ở các bãi biển, chuyển tải thông điệp này đến cả người dân và du khách.

An Dy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.