Thận trọng với sốt 'ảo' nhà đất

01/12/2021 09:32 GMT+7

Những ngày qua, nhiều diễn đàn cho rằng bất động sản tăng nóng. Tuy nhiên, nhiều bạn đọc Thanh Niên cho rằng, cần thận trọng với làn sóng này kẻo 'tiền mất, tật mang'.

Trong bài viết Thực hư chuyện bất động sản khắp nơi tăng giá trên Thanh Niên, theo số liệu báo cáo từ các địa phương, Bộ Xây dựng, giá đất khu vực vùng ven thủ đô Hà Nội như Quốc Oai tăng 20%, Ba Vì tăng 45%, một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình tăng 46%, Bắc Ninh 20%, Hưng Yên 26%. Tại các địa phương khác như Thanh Hóa; TP.Thủ Đức, H.Cần Giờ của TP.HCM; Biên Hòa, Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai... cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng rất nhanh trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bất động sản (BĐS) khuyến cáo nếu giá đất có tăng thì chỉ cục bộ ở một số khu vực, chứ không có chuyện tăng giá khắp nơi, sốt nóng như các thông tin gần đây vì thực tế nhu cầu về nhà đất vẫn còn chưa thể hồi phục sau dịch Covid-19.

Lợi dụng thông tin lên quận, lên thành phố, giới đầu cơ thổi giá đất, gây sốt ảo

ĐÌNH SƠN

Dẹp loạn “cò” thổi giá

Nhiều bạn đọc (BĐ) cho rằng, việc một lĩnh vực nào đó đang “ăn nên, làm ra” trong bối cảnh khó khăn như hiện tại đều đáng mừng. Tuy nhiên, phát triển phải bắt nguồn từ thực tế, bền vững, chứ không thể “ảo”. Bởi hiện tượng “bong bóng” BĐS từng xảy ra nhiều thời điểm trong những năm qua, khiến người có nhu cầu thực sự về nhà ở an cư mất đi cơ hội vì giá bị đẩy “trên trời”. BĐ Nguyễn Hiệp chia sẻ: “Dịch giã làm mất việc, giảm việc, hàng quán đóng cửa, mặt bằng thuê giảm giá, khách sạn rao bán và phá sản, mặt bằng thương mại sang nhượng hằng ngày, sản xuất giảm và gián đoạn...; kinh tế đang cố đứng dậy và chậm hồi phục... Tôi làm việc tài chính đã nhiều năm vẫn không hiểu lấy đâu ra để mua nhà, mua đất trong lúc này, khi mà miếng ăn nhiều người vẫn lo chưa xong, để nhà đất lên giá ào ào? Cần thận trọng vì có thể đây chỉ là những chiêu trò của nhà đầu tư và môi giới để trục lợi...”.

“Tôi đang trong tình cảnh đi mua đất, nên cũng thấu hiểu được. Bài báo hoàn toàn chính xác. Đất chỗ tôi cũng đang sốt một cách bất thường, sau 1 tháng mà tăng lên cả tỉ đồng. Ảo quá! Mong cơ quan nhà nước vào cuộc dẹp loạn “cò” thổi giá”, BĐ N.L.V cho biết.

BĐ Lâm Liêu cũng bày tỏ: “Tôi đã để ý rất nhiều lần rằng, mỗi khi có thông tin về quy hoạch, nâng cấp đô thị, nâng cấp hành chính ở một địa phương, ngay sau đó, giá đất tại những nơi này được đẩy lên rất cao. Có nơi trước đó còn không ai biết “mặt mũi” thế nào bỗng dưng giá nhảy vọt lên cả chục lần. Vấn đề đáng quan tâm: Đây có đúng là giá thực không, hay chỉ là chiêu trò của giới đầu cơ, “thổi giá” để rồi người mua sau lãnh đủ? Giới đầu cơ, lướt sóng thì quá rành rẽ chiêu trò này, chỉ thiệt cho những người có nhu cầu thực sự về nhà ở, không thể nào với tới”.

Địa phương cần chủ động vào cuộc

Bên cạnh các quy luật giá trị, cạnh tranh, cung - cầu khiến giá BĐS tăng, hoặc giảm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, nói thẳng “không loại trừ chuyện các nhà đầu cơ, cò mồi, chủ đầu tư “bất lương” tung tin đồn thổi để kích đám đông, thổi giá”. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng cho rằng, việc tăng giá còn có hiện tượng các sàn giao dịch BĐS câu kết nhau ôm hàng, làm giá, tạo sóng, thổi giá, gây sốt ảo. Điều này phù hợp với kinh nghiệm của nhiều BĐ từng rơi vào bẫy do những chiêu trò sốt ảo, đẩy giá. “Phải cảnh giác trò nhào nặn thông tin, tạo sốt, tạo sôi động của giới buôn đất, “cò” đất, dụ người dân lao vào mua để họ tháo hàng, chốt lãi khủng”, BĐ Lê Chấn Hưng nêu ý kiến.

Theo BĐ K.K.B, nếu là nhu cầu thực, phải loại bỏ các yếu tố đầu cơ, chờ lướt sóng. Nên để dòng tiền này phục vụ cho mục đích sản xuất mới tạo ra của cải cho xã hội và để đất cho những người có nhu cầu thực sự để ở. Về giải pháp quản lý, nhà nước, ngân hàng nên điều tiết vay vốn hoặc dùng công cụ thuế để tránh hiện tượng gom đất chờ thời cơ, thổi giá kiếm lời. Về phía người dân, cần thận trọng trước những chiêu trò của nhà đầu tư và môi giới kẻo “tiền mất, tật mang”.

Để chấn chỉnh tình trạng này, theo BĐ vai trò của chính quyền địa phương rất lớn. BĐ Ken Duy viết: “Nếu bỗng dưng một ngày đẹp trời, đoàn người “kéo đoàn, kéo lượt” đến nơi được cho là dự án phân lô, bán đất nền để xem, trong khi khu đất đó không nằm trong quy hoạch đất ở tại địa phương mình quản lý, thì hãy nhanh chóng đưa ra cảnh báo cho người dân không những tại địa phương mình, mà còn cho những người ở nơi khác đến biết. Bên cạnh đó, cần công khai thông tin về cơ sở pháp lý, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn; cần giám sát chặt những đối tượng hành nghề môi giới BĐS; khuyến cáo cho người dân về những rủi ro pháp lý với hình thức mua bán trao tay…”.

* Vẫn là các chiêu thổi giá của những nhà đầu cơ vì siêu lợi nhuận... Bao giờ dân nghèo mới có nhà ở?

Nguyen Anh Dung

* Tôi đầu tư nhà đất ở một số nơi. Từ khi đợt dịch thứ 2 xảy ra, hầu như nhà đất “đóng băng”, muốn bán đều hạ giá nhưng vẫn khó bán ra, chứ đừng nói là tăng. Tôi muốn bán, thu hồi bớt vốn để trả nợ nhưng vẫn khó.

Lam Nguyen

* Giải pháp căn cơ vẫn phải là: cơ quan chức năng, các địa phương minh bạch thông tin quy hoạch, giá đất… Siết chặt hoạt động của những người hoạt động môi giới, các sàn giao dịch BĐS; nhanh chóng vào cuộc khi có hiện tượng “thổi giá” và chấn chỉnh ngay sau đó bằng các biện pháp quản lý.

Vũ Quốc Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.