ĐBSCL thiệt hại nghiêm trọng do thiên tai
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, năm 2023 toàn quốc xảy ra 5.331 sự cố, 1.964 trận thiên tai cực đoan, đặc biệt là mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng. Thiên tai làm 1.129 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế ước trên 9.324 tỉ đồng.
Trong khi đó, từ đầu năm 2024 đến nay, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên cả nước do ảnh hưởng của các loại hình thiên tai như hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, độ mặn 4,0% xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 53 - 66,4 km; độ mặn 1,0% xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 71,3 - 76 km.
Mặc dù tỉnh Bến Tre đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để chủ động ứng phó xâm nhập mặn, nhưng hệ thống công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn tỉnh chưa khép kín dẫn đến ảnh hưởng đến nguồn lấy nước của một số nhà máy nước, nguy cơ gây thiếu nước cho khoảng 25.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh, khoảng 4.150 ha đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng.
Tại tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2013 - 2023, tình hình sạt lở bờ sông, kênh rạch diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, mức độ nhanh hơn, gây mất đất sản xuất, đường giao thông..., ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, dân sinh của người dân trên địa bàn các huyện, thị phía tây của tỉnh. Theo thống kê, toàn tỉnh xảy ra 1.151 điểm sạt lở với chiều dài khoảng 87,67 km, kinh phí khắc phục 775,4 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh. Tính riêng 3 tháng đầu năm 2024, Tiền Giang đã xảy ra 12 điểm sạt lở, chi phí khắc phục hậu quả hết 60,168 tỉ đồng.
Trong khi đó, tại tỉnh Cà Mau, đợt hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2015 - 2016, 2019 - 2020 làm thiệt hại 72.100 ha lúa, hơn 51 ha hoa màu, 70.000 ha nuôi trồng thủy sản và gây khô hạn cho trên 43.545 ha rừng; gần 21.000 hộ dân khó khăn về nước sinh hoạt; 18 cống thủy lợi bị hư hỏng; hơn 120km tuyến đường giao thông, kênh thủy lợi bị sạt lở, sụt lún sạt lở, sụp lún, ước thiệt hại trên 2.200 tỉ đồng.
Tính riêng từ đầu năm đến nay, thiên tai làm 1 người mất tích, chìm 2 phương tiện; 8 căn nhà bị thiệt hại, hư hỏng; 15 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài gần 0,4 km. Đặc biệt, hạn hán, xâm nhập mặn đã làm sạt lở, sụt lún 697 vị trí với tổng chiều dài hơn 18 km, 2.620 hộ gia đình bị thiếu nước, ước tổng thiệt hại về tài sản hơn 28 tỉ đồng.
Sắp có phương án dài hạn chống thiên tai cho ĐBSCL
Những con số ghi nhận số vụ sạt lở ngày càng gia tăng mạnh của mỗi địa phương tại ĐBSCL được Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đặc biệt chú ý bởi nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân và tác động đến tình hình sản xuất lúa, gạo lớn nhất cả nước.
Phó Thủ tướng cũng bày tỏ sự lo ngại bởi sự nguy hiểm của những vụ sạt lở trong khi các giải pháp chống sạt lở tại khu vực này chưa có tổng thể, manh mún và chưa có hiệu quả cao.
Về vấn đề thiên tai tại ĐBSCL, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết hiện nay Bộ NN-PTNT, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đang xây dựng đề án tổng thể về phòng chống sạt lở, xâm nhập mặn, nước sạch, nước sinh hoạt... cho vùng ĐBSCL.
"Có 5 nhiệm vụ trong đề án và tháng 12 tới chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Sau khi có đề án này, sẽ có giải pháp tổng thể, dài hạn cho ĐBSCL về sạt lở, xâm nhập mặn, nước sạch...", ông Hiệp thông tin và cho hay, việc thực hiện đề án sẽ tập trung nguồn lực theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang.
Ngoài đề án này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đang có một loạt các đề án khác nhưng đặc biệt ưu tiên cho hồ chứa trước mùa bão lũ và an toàn điều tiết nước vì "hiện nay thời tiết rất cực đoan, khác thường, lũ thường đến nhanh hơn và ở lại lâu hơn".
Bình luận (0)