Tháng 5 đi ngắm con ong Ý làm mật

10/05/2022 09:00 GMT+7

Anh Hồ Công Minh (30 tuổi) là người tiên phong ứng dụng mô hình nuôi ong Ý làm mật kết hợp phát triển du lịch cộng đồng tại cồn Sơn.

Nuôi ong Ý làm mật, anh Minh muốn khai thác hơn nữa tiềm năng những vườn trái cây ở cồn Sơn

Góp phần đa dạng sản phẩm du lịch

Anh Minh chia sẻ qua tìm hiểu, anh nhận thấy ong Ý có năng suất cho mật cao mà kỹ thuật nuôi không quá phức tạp. Đặc biệt loài ong này rất hiền, không ảnh hưởng hoặc gây nguy hiểm đến việc tham quan, trải nghiệm của du khách. Từ đó, anh quyết định ứng dụng mô hình nuôi ong Ý lấy mật kết hợp phát triển du lịch cộng đồng tại cồn Sơn (P.Bùi Hữu Nghĩa, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ).

Cồn Sơn nằm giữa dòng sông Hậu, phù sa bồi đắp, cây trái tốt tươi quanh năm. Trong đó, khoảng tháng 2 - 5 (âm lịch) là thời điểm những vườn chôm chôm, vườn nhãn thay nhau trổ rộ bông. Tuy nhiên, ngoài việc đợi cây đậu trái chín để phục vụ khách du lịch, hầu hết bà con ít ai quan tâm đến việc khai thác giá trị của phấn hoa tự nhiên ngoài vườn.

"Mỗi mùa hoa như thế đi qua tôi cảm thấy có chút lãng phí và tiếc nuối. Vì vậy, khi biết đến loài ong Ý, tôi đã đam mê và mang về nuôi thử nghiệm ngay trên vùng đất này, biết đâu sẽ mang đến điều hay đối với khách du lịch", anh Minh bộc bạch.

Loài ong Ý hiền tính, rất hiếm khi ảnh hưởng hoặc gây nguy hiểm cho khách du lịch

Thanh Duy

Khởi điểm, anh Minh được người thầy có nhiều năm kinh nghiệm nuôi ong Ý tặng 3 tổ về đặt ở vườn nhà. Sau một thời gian, quan sát thấy vườn tược không bị ảnh hưởng gì mà lại ra trái sai hơn trước, anh Minh mạnh dạn xây thêm "nhà" cho ong, phát triển số lượng đàn đông đảo hơn. Đến nay, anh đã gầy dựng được gần 30 tổ.

"Mẹ tôi là nghệ nhân làm bánh dân gian. Vì vậy, khách du lịch hay đặt chân đến gia đình tôi để thưởng thức, trải nghiệm làm các loại bánh truyền thống. Điều bất ngờ là nhiều du khách vô cùng thích thú khi tôi "trình diễn" lấy mật và mời họ thưởng thức hương vị sáp ong mới "ra lò". Thấy có duyên nên tôi quyết định thực hiện hoạt động này thường xuyên, nhằm góp phần làm đa dạng sản phẩm du lịch của gia đình nói riêng và cồn Sơn nói chung", anh Minh nói.

Sản phẩm du lịch “mùa vụ” này diễn ra ở cồn Sơn từ tháng 2 - 5 khi những vườn trái cây còn rộ bông

Tạo ấn tượng khó quên cho du khách

Đợi cách tuần cho đàn ong tích lũy mật, thường vào thứ bảy và chủ nhật (thời điểm du khách đến cồn Sơn đông nhất - PV), anh Minh tiến hành lấy mật ong. Tại đây, anh thực hiện quy trình dỡ tổ lấy kèo ong, quay mật, cho khách thưởng thức miễn phí sáp ong nguyên chất, phục vụ sản phẩm nước giải khát chế biến từ mật ong khi khách có yêu cầu.

Mô hình này tạo cho tôi một sự trải nghiệm thật mới mẻ, khó quên về du lịch miệt vườn. Dù đã đi thực tế nhiều nơi nhưng ngoài cồn Sơn, tôi chưa từng thấy nơi nào có ý tưởng như thế.

NGUYỄN THỊ THÚY (28 tuổi, ngụ Bạc Liêu)

Ông Nguyễn Văn Phúc, du khách đến từ TP.HCM, chia sẻ: "Đây là một sản phẩm du lịch độc đáo. Chủ ý tưởng đã nhạy bén tận dụng lợi thế cây nhà lá vườn để vừa kiếm thêm thu nhập vừa tạo cho chúng tôi sự hiểu biết thú vị, bổ ích về nghề nuôi và lấy mật ong".

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thúy (28 tuổi, ngụ Bạc Liêu) lại bị hấp dẫn khi được thưởng thức những miếng sáp ong đầy mật vừa lấy từ tổ ra. ''Mô hình này tạo cho tôi một sự trải nghiệm thật mới mẻ, khó quên về du lịch miệt vườn. Dù đã đi thực tế nhiều nơi nhưng ngoài cồn Sơn, tôi chưa từng thấy nơi nào có ý tưởng như thế'', chị Thúy vui vẻ nói.

Du khách thích thú trải nghiệm

Thời điểm rộ hoa, mỗi tháng 1 tổ ong Ý có thể cho ra 4 - 5 lít mật. Mỗi lít mật ong anh Minh bán giá 400.000 đồng, hiện nguồn cung không đủ cầu cho thị trường. Anh Minh chia sẻ bí quyết: "Nuôi ong Ý nhẹ công chăm sóc nhưng phải đặc biệt chú ý vào mùa mưa, ong dễ bị vi khuẩn ký sinh vào cánh khiến năng suất làm việc không cao. Ngoài ra, việc kiểm tra, vệ sinh tổ phải thường xuyên nhằm phát hiện, xử lý kịp thời những ấu trùng hư, qua đó tránh tình trạng lây lan sang những tổ ong xung quanh".

Cũng theo anh Minh, đây là sản phẩm du lịch mùa vụ, chỉ diễn ra từ khoảng tháng 2 - 5, khi những vườn trái cây tại cồn Sơn rộ bông. Khi tàn, anh sẽ di chuyển "nhà ong" đến những vườn nhãn ở H.Kế Sách (Sóc Trăng). Đến khoảng tháng 8, anh lại đưa đàn ong Ý đến Nông trường Mùa Xuân (H.Phụng Hiệp, Hậu Giang) để hút mật tràm. Tại những nơi này, chàng trai nuôi ong ý làm mật không phục vụ du lịch mà tạo điều kiện cho đàn ong lấy mật, qua đó duy trì số lượng đàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.