Tháng 7 Vu lan: Con trai 10 năm chăm mẹ liệt nửa người vì 'công ơn trời bể'

07/08/2019 12:36 GMT+7

Suốt 10 năm, mọi sinh hoạt của cụ Sâm đều do một tay ông Thuận chăm sóc. Căn nhà nhỏ ở Sài Gòn không có gì nhiều, chỉ có sự yêu thương từ người mẹ và tấm lòng hiếu thảo của con là không bao giờ thiếu.

"Một bông hồng cho những ai, cho những ai đang còn mẹ....". Tháng 7 vu lan luôn nhắc nhớ những người con dù còn hay đã mất mẹ về chữ hiếu. Thanh Niên xin chia sẻ cùng bạn đọc những câu chuyện về tình mẹ, bởi mỗi người chúng ta dù lớn khôn hay nhỏ dại, ai cũng mong ba mẹ mãi ở bên.

Chăm  sóc, bầu bạn cùng mẹ

Vợ chồng ông Tôn Hòa Thuận (57 tuổi) đang ở cùng cụ Nguyễn Thị Sâm (90 tuổi) trong căn nhà trên đường Hùng Vương, phường 9. Q.5, TP.HCM.
Năm 17 tuổi, cụ Sâm cùng nhiều thanh niên khác dành thanh xuân của mình để tham gia kháng chiến chống  Pháp. Năm 19 tuổi, cụ Sâm bị hai mảnh bom ghim sâu vào lưng. Thời đó thiếu thốn, cụ phải chịu mổ "sống" (không gây tê, không gây mê - PV) để gắp một mảnh ra, còn một mảnh vẫn ở lại trong người cụ cho đến bây giờ.
Chính vì vậy, mỗi khi trái gió trở trời cụ Sâm lại thấy đau nhức. 10 năm trước, cụ bị một cơn tai biến dẫn đến liệt nửa người. Không lâu sau chân phải cụ bị gãy và hoàn toàn mất cảm giác. Dù cuối đời bị bệnh tật đeo bám nhưng cụ may mắn có một người con trai tận tình chăm sóc suốt 10 qua. Từ cơm ăn ba bữa cho đến tắm giặt hay việc đi vệ sinh của cụ cũng một tay ông Thuận chăm lo.
Ông Thuận tâm niệm con cái phải chăm sóc cha mẹ. Ông không muốn thuê người ngoài chăm cụ vì họ không phải là máu mủ, không thể bằng con cái được. Ảnh: Trịnh Thanh

Ông Thuận tâm niệm con cái phải chăm sóc cha mẹ. Ông không muốn thuê người ngoài chăm cụ vì họ không thể bằng con cái được

Trịnh Thanh

Bằng khen do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố tặng ông Thuận vào dịp kỉ niệm 70 năm ngày thương binh, liệt sĩ 27.7.2017. Ảnh: Trịnh Thanh

Bằng khen tấm gương vượt khó cùng thương binh do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tặng ông Thuận 

Trịnh Thanh

“Cũng khó khăn vì bà đâu có đi được, mọi việc tôi lo hết. Sáng ra làm gì thì làm cũng phải lo cho bà ăn uống, vệ sinh đầy đủ. Mỗi lần tắm thì bà vẫn có thể tắm được, tôi chỉ cần mặc quần áo. Kể cả việc bà đi vệ sinh vào bô tôi cũng dọn, có gì đâu mà ngại, mẹ mình mà”, ông Thuận tâm sự.
Mọi đồ đạc cần thiết đều ở xung quanh giường của cụ. Ảnh: Trịnh Thanh

Mọi đồ đạc cần thiết đều ở xung quanh giường của cụ

Trịnh Thanh

Thấy bên cạnh giường cụ Sâm có nhiều công tắc, tôi mới thắc mắc. Ông Thuận cho hay đó là công tắc chuông và đèn điện. Khi nào cụ có việc cần thì nhấn chuông, ông từ trên lầu chạy xuống. Điều khiển ti vi, điện thoại bàn và thuốc men lúc nào cũng ngay tầm tay của cụ. Ông còn tự chế cái ghế bô để cụ đi vệ sinh cho tiện.
Cụ Sâm vẫn còn minh mẫn. Con cháu cuối tuần đến thăm cụ đều nhớ tên, nhớ mặt cả. “Thấy áo tôi đứt cái nút, bà kêu cởi áo ra đi, bà đơm cho. 90 tuổi rồi còn xỏ kim, đơm áo được đấy”, ông Thuận vui vẻ kể.
Những công tắc do ông Thuận tự chế. đặt ngay bên giường cụ Sâm. Ảnh: Trịnh Thanh

Những công tắc do ông Thuận tự chế đặt ngay bên giường cụ Sâm

Trịnh Thanh

Cứ thế, hơn 10 qua ông Thuận vừa chăm sóc lại vừa là người bạn đồng hành của cụ Sâm. Trừ những lúc làm việc, thời gian còn lại ông Thuận đều dành cho mẹ. Chính vì vậy thiếu người này là người kia lại thấy buồn, thấy nhớ.
Cụ Sâm chia sẻ: “Tôi giờ là ngồi ở đây đến khi chết thì thôi. Cũng may là có Thuận nó lo cho tôi cả. Mỗi lần nó đi làm, không có ai tâm sự, một mình ở nhà buồn lắm”. Ông Thuận nói: "Bà còn sống ngày nào tôi vẫn chăm lo cho bà, không để bà buồn tủi”.

‘Cha mẹ còn hơn trời, Phật’

Ông Thuận kết hôn đã 20 năm nhưng không có con nên hai vợ chồng sống với cụ Sâm từ đó đến giờ. Thời gian trước, bố vợ ông Thuận trở bệnh nặng, vợ chồng phải chia ra, mỗi người lo một bên.
Ông Thuận bị tâm thần phân liệt đã lâu. Nhắc tới bệnh của mình, mặt đìu hiu, ông tâm sự: “Lúc đi khám bác sĩ thì nói là bệnh này phải uống thuốc suốt đời. Tôi uống từ đó tới giờ cũng đã mấy năm, nhiều lúc mệt mỏi vì sợ sức khỏe của mình yếu, đổ bệnh ra đó thì không ai chăm sóc cho bà, lại thêm gánh nặng cho vợ”.
Ông Thuận hiện đang làm nhân viên tại khu khách sạch Kỳ Hòa. Mỗi ngày, ông đều tranh thủ giờ nghỉ về chăm lo cơm nước cho cụ. Ảnh: Trịnh Thanh

Ông Thuận đang làm nhân viên tại khu khách sạn Kỳ Hòa. Mỗi ngày, ông đều tranh thủ giờ nghỉ về chăm lo cơm nước cho mẹ mình

Trịnh Thanh

“Cha mẹ còn hơn là trời, Phật nữa. Cha mẹ mình già, tật nguyền có khổ thôi, chỉ biết nương tựa vô mình chứ còn trông vô ai. Con cái chăm sóc cha mẹ là đạo hiếu mà trời đất cho mình. Ví dụ mẹ ăn cơm, mình phải biết gỡ xương cá cho mẹ”, ông Thuận bộc bạch.
Đại diện UBND phường 9, Q.5 cho biết, cụ Nguyễn Thị Sâm là thương binh hạng 4/4. “Đối với trường hợp của cụ, bên ủy ban cũng quan tâm và có chính sách hỗ trợ. Trong thời gian cư trú ở địa phương, bên phường nhận thấy gia đình sống hòa thuận, chưa xảy ra điều tiếng gì. Tuổi già vật chất cũng không quan trọng lắm, chỉ mong có con cháu ở bên chăm sóc thật tốt cho cụ”, vị đại diện này nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.